Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2013

Thuyết minh về làng cổ Phước Tích

Gốm Phước Tích

Bài và ảnh: Lương Thanh Tường


Nhà bà Thú.



Người Nhật để tâm giúp dân làng Phước Tích, theo tôi ngoài nghề gốm cổ truyền, Phước Tích còn là một làng cổ tiêu biểu ở miền Trung. Từ kiến trúc nhà cửa đường sá đến sinh hoạt của dân làng có nét đặc thù không giống như những làng nghề khác. Hầu như nhà nào cũng có vườn và ngõ vào nhà, có bình phong trước sân, có hàng rào chè tàu cắt xén ngay ngắn. Nhà rường một hay ba gian đều có hai chái. Làng Phước Tích còn được địa thế đẹp nhờ dòng sông Ô Lâu bao quanh, có 12 bến nước. Mười hai bến nước là hình ảnh đời người phụ nữ Việt Nam, trong nhờ đục chịu. Nhờ những yếu tố đó mà qua mấy trăm năm lịch sử đổi thay làng Phước Tích vẫn giữ được thế đứng của mình. Một nét cổ đoan trang minh bạch và riêng biệt.


Hoa văn chạm trổ.


Như chương trình đã định, sau khi thăm cổ thành Quảng Trị, tôi chạy vô huyện Phong Điền, trở lại làng Phước Tích. Tôi đi tìm nhà bà Thú, ngôi nhà tiêu biểu của làng Phước Tích. Buổi trưa cảnh làng càng vắng, nắng chói chang tuy nhiên đường làng đổ bóng cây râm mát. Vào hết một khúc quanh, ước chừng giữa làng, tôi vào đại một nhà hỏi thăm, chị chủ nhà nhìn tôi cách thân thiện và vui vẻ nói: “Nhà tui có chi mô, chú tới nhà bà Thú là nhà đẹp nhứt làng, ai cũng thăm nhà nớ cả”. Hỏi nhà bà Thú ở đâu chị nói lui lại đường vô xóm chỗ bến nước.


Sản phẩm gốm.


Chuyên viên Nhật thuyết trình.

Vào một ngõ hẹp chừng hơn mét ngang, cổng nhà bà Thú bên phải. Hai trụ cổng to cao mà không cánh cổng, lối đi vào nhà đúc bê tông, có hàng chè tàu hai bên. Từ Cổng vào sân độ 30 mét. Dường như nhà nào cũng thế, không nhà nào có sân quay mặt sát đường đi. Nhà cửa bàn khoa cài kín, như không ai ở nhà. Tôi gõ cửa lên tiếng thì có người trả lời: “Ai rứa”. Một bà cụ tóc bạc mở cửa, thấy tôi, bà vui vẻ chào, “Đi mô mà nắng ri”. Sau khi nghe tôi thưa chuyện bà mời tôi vào và định đi lấy nước, tôi cản lại và nói ngay:
- Thưa bác, tui chỉ xin làm phiền bác chút thôi. Nghe người ta nói nhà bác là nhà xưa đẹp nhứt làng.
- Thì họ nói rứa chớ đẹp chi, làng ni nhiều nhà như ri chớ mình chi tui. Chú ở mô?
- Dạ, thưa bác trong Huế. Bác năm nay chắc cũng trên 80 hè?
- Tám mươi tám rồi đọ. Con cháu đi cả, mình tui ở nhà thôi.
- Thưa bác, làng mình ngoài nghề gốm nổi tiếng, còn chi nữa khôông bác?
- Làng ni chú biết xưa nay nổi tiếng cả văn võ chớ khôông chợn mô (đùa đâu). Nam cũng như Bắc đều có người làm Tướng. Tướng Tố của miền Nam là người làng ni. Do thời thế đổi thay chừ làng mới xập xệ như ri.


Lò gốm.

- Thưa bác, ai là tổ nghề gốm làng Phước Tích hả bác?
- Theo kể lại thì người dạy nghề gốm làng ni là ngài Hoàng Minh Hùng (1) người gốc miền ngoài theo vua Lê đánh Chiêm Thành rồi di dân vô lập nghiệp chỗ ni.
- Thưa bác, tui thấy Phước Tích từ nhà cửa vườn tược đường sá như ri là hơn nhiều nơi khác rồi.
- Hơn là hơn rứa thôi, so với buổi xưa thì thua xa. Bựa ni người ta nói nhiều mà không làm. Chú biết Nhật cho 1 tỉ rưỡi để làm con đường chạy quanh làng mà họ làm một nửa rồi thôi. Kêu hết tiền.
- Những nhà rường trong làng có được trợ cấp tu bổ khôông bác?
- Chà cái nớ thì họp hành, giấy tờ liên miên mà chộ chi mô. Nói có, làm khôông.
Bà già như có nhiều nỗi “bức xúc” nếu cứ ngồi khều thì chuyện cả ngày cũng không hết. Tôi xin phép chụp ít ảnh rồi đi tìm lò gốm. Nhà bà Thú được chọn làm mẫu cũng phải, nhà tương đối còn nguyên vẹn bộ dàn trò. Đầu kèo, xà ngang đến đòn tay, mè, đều gỗ quí và có chạm trổ trang trí hoa văn. Cửa bàn khoa, vách đố được chạy chỉ khoét móc rất tinh tế. Trên vách có bảng thành tích:
“Ngôi nhà ba gian hai chái này được xây dựng hơn trăm năm, mái lợp ngói liệt, giữa bờ nóc có mặt nhật, bờ mái và bờ quyết được đắp nổi các kiểu trang trí. Đây là một ngôi nhà rất đặc trưng của kiểu nhà vườn, có giá trị về mặt kiến trúc, mỹ thuật, nội thất được bài trí đẹp. Hệ thống vì kèo có các kiểu thức chạm trổ hoa văn tinh xảo ở các bức đố, liên ba, kèo cù. Nhà có cửa ‘thượng song hạ bản’ ở ngoài, và cửa ‘bản khoa’ ở bên trong ngăn cách tạo nên các phòng riêng biệt rất tinh tế mang đậm nét ngôi nhà rường truyền thống”.


Lớp học.

Qua thời gian nhà bà Thú cũng có sửa chữa như trụ hàng ba xây gạch tô vôi, tường quanh nhà xây gạch trơn… Nhìn chung những giá trị cổ về nếp sống, phong tục, tập quán ngày càng phai mờ do sự phát triển khoa học, phần khác do người trách nhiệm không thấu đáo chuyên môn, nay thay mai thế, cứ vậy sai lạc dần. Rời ngôi nhà rường kiểu mẫu tôi đi tìm lò gốm. Theo lời dân làng xưa kia có khoảng 12 lò, nay chẳng còn bao nhiêu. Ngược đường trở ra, tôi gặp một lò gốm như bỏ lâu ngày. Lò thấp nóc vòm như một ngôi mộ cổ. Cửa lò không cao quá 50cm, chẳng hiểu làm cách nào cho gốm vào, rồi nung ra sao. Đã xem qua lò gốm nhiều nơi tôi thấy lò gốm Phước Tích khác lạ hoàn toàn. Cách lò gốm này không xa đang có lớp thuyết giảng chuyên môn do phái đoàn Nhật phụ trách. Trong một căn trại lợp tôn trống vách, như là nơi dân làng hội họp, có một cô gái Nhật đang giảng về gốm. Bên cạnh một cô gái Viêt làm thông dịch. Cử tọa chừng mươi người chăm chú nghe. Không khí rất thân mật, ở một góc phía trước có hai người đàn ông Nhật cũng tham dự. Tôi bấm ngay tấm ảnh rồi đến gần bên dự thính. Cô gái Nhật nói như nước chảy một hơi, vừa ngưng là cô gái Việt cũng thao thao một tràng rất lưu loát. Chẳng hiểu đúng hay sai, nhưng chắc không đến nổi như kiểu dịch tiếng Anh của MC “Lậm văn Sai”, vì đây là vấn đề nghề chuyên môn, chứ không phải văn nghệ nên không thể phịa, cương ẩu được. Nghe một lúc, tôi nắm được điểm chính: “Người Nhật thấy nghề gốm thủ công củ làng Phước Tích rất có giá trị về phẩm chất và nghệ thuật nên họ đã tìm hiểu và đã giúp đỡ dân làng khôi phục lại nghề. Thời gian qua họ mở lớp dạy, mở rộng phương thức sáng tác, đưa gốm gia dụng vào trang trí mỹ thuật. Không hiểu tại sao cả làng chỉ có 12 người học. Vì không thích hay dạy không hay…”. Tuy đặt câu hỏi nhưng chẳng ai trả lời và căn cứ vào thành phần tham dự viên, tôi tin vấn đề khó cho người Nhật dù có đem hết nhiệt tâm hướng dẫn. Nghệ thuật làm sao đến lớp tuổi đã hai thứ tóc? Nhớ mấy năm trước tôi đến lò gốm Phù Lãng ở Bắc Ninh, cả trăm tay thợ trẻ tuổi chia ca vào xưởng ngày đêm.


Làng Phước Tích.

Trong hội trường cũng có trưng bày một số sản phẩm gốm sống và gốm đã nung, tôi lần lượt xem qua và chụp ảnh. Nhìn chung mẫu mã sản phẩm và tay nghề của thợ Phước Tích không phải kém, nhưng có lẽ do lợi nhuận không theo kịp thời giá nên không mấy người quan tâm. Tương tự làng tranh Đông Hồ dù được UNESCO tài trợ nhưng chỉ một vài nhà làm tranh còn cả làng chạy theo hàng mã.
Tôi đang chụp một vài nhóm sản phẩm thì một anh Nhật mang đến một mẫu gốm sống, kích thước bằng tờ giấy đánh máy, giới thiệu để tôi chụp. Cảnh mô phỏng cửa Ngọ Môn khá hay, đường nét nhuyễn lắm, nhất là hai tà áo dài với nón lá tuyệt lắm. Một bức tranh gốm trang trí ở phòng khách rất thích hợp.
Lớp học còn tiếp diễn, trời đã chiều, tôi tạm rời Phước Tích để chạy vô Huế. Phước Tích cũng chỉ là một trong nhiều vốn cổ, trong nhiều di tích, rất đáng được khơi lại, đáng được phục hồi nhưng vấn đề không phải ở mệnh lệnh mà ở chỗ cơ quan có trách nhiệm có thấu đáo, có nắm vững, có nhiệt tâm cho sự nghiệp chung hay không. Còn hô hào theo chiến dịch, theo phong trào thì cũng chẳng khác gì đốt ngọn lửa rơm rồi bỏ đi. “Làm văn hóa mà sai là giết muôn đời”. Người xưa đã bảo thế.

Tháng 6-2011



(1) Sử ghi Hoàng Minh Hùng phò vua Lê vào bình Chiêm thắng lợi, được triều đình phong tặng "… Chỉ suy sứ Quảng Trị, Phó tướng Hùng Minh Hầu". Thấy vùng Cồn Dương phù hợp với dự tính lâu dài của mình là nghề gốm, Ngài trở về Nghệ An chiêu mộ dân vào Nam. Trong số đó có nhiều họ như các họ Phan, Đoàn, Hoàng, Hồ, Lê Ngọc, Nguyễn Bá, Nguyễn Duy, Trần, Trương, Nguyễn Phước, Lê Trọng và Lương Thanh. Công ngài sáng lập làng Phước Tích và dạy nghề cho dân làng lớn như rất được sùng bái và có miếu thờ Tổ nghề. Hai câu đôi ghi nơi miếu:
Thương thương dĩ chế khí
Tùy vật nhi phú hình
(Theo dạng chế thành khí Tùy vật nắn ra hình)


Một câu thơ khác trong gia phả họ Hoàng ở làng Phước Tích còn ghi:
Nhất thiên vi lô tạo hóa công
Nhất bàn luân chuyển, chuyển vô cùng
Tùy vật đại tiểu hình giai phó
Đào tạo đô quy thủ đoạn trung
Dịch là:
Thợ tạo lò trời sẵn có đôi
Một bàn xoay mãi, mãi không thôi
Vật tùy lớn nhỏ, tùy theo dáng
Đều bởi bàn tay khéo nặn nhồi.


Sách đã in: Quê Hương Qua Ống Kính tập 1 đến tập 12, Buồn Vui Nghề Chơi Cây Kiểng, Mùa Nước Lũ (Truyện), Về Nhiếp Ảnh, Thăng Trầm (chuyện buồn vui một đời người), sách dày trên 200 trang, có 8 phụ bản ảnh màu và cả trăm ảnh đen trắng.
Độc giả muốn có sách nguyên bộ 12 tập (discount), xin liên lạc:
Tòa soạn Nhật Báo Viễn Đông, 14891 Moran Street, Westminter, CA 92683. Điện thoại: 714-379-2851.
Share this post
  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...

0 nhận xét

:) :-) :)) =)) :( :-( :(( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ :-$ (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer

 
© 2013 Lương Thanh Tường
Liên Hệ : Luongthanhtuong24.6.1997@gmail.com
GoogleComments RSS
Chuyển Lên Trên
Chuyển Lên Trên