Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

Thuyết minh về lễ hội đua thuyền

Lễ hội đua thuyền 2.9 ở Lệ Thủy
Tết Độc Lập (2/9) trên mảnh đất Lệ Thủy, Quảng Bình, được về quê để xem đua thuyền truyền thống trên dòng sông Kiến Giang luôn là nỗi háo hức và mong chờ của những người con đi xa. Lễ hội đó có gì mà hấp dẫn không những du khách thập phương mà còn cho chính cả những người đang sống ở Lệ Thủy. Xin được tóm tắt vài dòng để các bạn hiểu rõ hơn về lễ hội thu hút hàng nghìn người này.



Từ lâu lắm rồi, cư dân Lệ Thủy sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Sông nước và ruộng đồng như chính là linh hồn của họ  . Nhưng những tai họa ập đến từ thiên nhiên như lụt, bão, hạn hán....luôn là nỗi đe dọa thường trực đến cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của những người nông dân chân lấm tay bùn. Do đó, một thế lực vô hình luôn là điểm dựa và nơi hướng tới trong tâm hồn họ, đó là các vị thần linh của sông, của núi luôn ở bên phù hộ, độ trì cho họ tai qua nạn khỏi, làm ăn ngày càng phát đạt. Nói 1 cách nôm na theo kiểu dân gian ở quê miềng là nhờ ôông Trời phù trì phù hộ  . Sau những mùa vụ dù bội thu hay là thất bát, người nông dân Lệ Thủy ngày xưa cũng thường tổ chức lễ hội đua thuyền để tạ ơn thần linh đã phù hộ, độ trì và tiếp tục phù hộ cho họ trong mùa vụ tới.
Tại sao lễ hội đua thuyền lại tổ chức đúng ngày 2/9 hàng năm? 

Như trên đã nói, cư dân Lệ Thủy chủ yếu sống nhờ vào nông nghiệp. Một năm thường trồng 2 vụ lúa (Hè Thu và Đông Xuân), tháng 9 là tháng kết thúc của vụ hè thu, cư dân hồ hởi với thành quả đạt được trong sản xuất. Thời điểm này cũng là lúc rãnh rỗi nhất của người bản địa, do đó họ tổ chức lễ hội để tạ ơn Trời đất. Dần dần sau này, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, chính quyền và nhân dân Lệ Thủy mới chọn ngày này làm ngày chính thức để tổ chức lễ hội đua thuyền trong toàn huyện. Gần đây, cũng có xuất hiện một thuật ngữ mới nhưng chưa phổ biến nhiều gọi lễ hội đua thuyền 2/9 là lễ hội đua thuyền mừng Tết độc lập. Tuy nhiên, với nhân dân địa phương, cách gọi: đua thuyền 2/9 vẫn gần gũi và thân thiết hơn đối với họ và nó vẫn đang phổ biến ở tất cả các làng xã trong toàn huyện. 

Thời gian bắt đầu đua thuyền 

Để chuẩn bị cho ngày đua chính thức giữa các Xã trong toàn huyện vào đúng ngày 2/9 hàng năm. Chính quyền và nhân dân các xã thường bắt đầu tập luyện từ ngày 15/8 cho đến ngày 31/8. Thời điểm này, ngày nào, trên dòng sông Kiến Giang cũng có các thuyền của các làng (hoặc xã) tập luyện và thi thố. Hai bên bờ sông, nhân dân chen chúc nhau đứng xem, động viên và cổ vũ. Trên đường, hàng trăm xe đạp, xe máy chạy theo hò reo và cổ vũ cho thuyền của làng, xã mình. 




 



Diễu hành trên sông Kiến Giang trước lúc khai mạc 

 

 

Bắt đầu xuất phát 

 

 

Xuất phát .....

 

Các đò bơi cố gắng áp sát khúc cua 
 

Chìm đò bơi cách điểm xuất phát khoảng 300m 

 

Và một chiếc khác... 

 

Cố lên anh em ơi, đưa thuyền vào bờ, tát nước để tiếp tục cuộc đua nào ! 

Lý do đò bơi bị chìm: Đò bơi nào cũng ưa ôm cua để bứt phá nên các vận động viên của xã nào cũng cố gắng điều chỉnh đò của xã mình áp sát càng gần khúc cua càng tốt (đường bơi sẽ ngắn hơn). Điều này dẫn đến các đò sẽ húc nhau và chìm .....



 

Dòng người chạy theo xem và chen chúc nhau trên cầu 
Ảnh do tác giả chụp năm 2007 ở cầu Phong Xuân, trung tâm Huyện Lệ Thủy 



Nhân dân đang cổ vũ, khoát nước cho chị em uống đỡ khát 

 

Cố lên nào chị em ơi

Bài và ảnh KienGiangriver (QBO)
***************
Phần bình luận thêm của Toantq (QBO)
Nằm trên dải đất hẹp của Miền Trung, với diện tích trải dài nhỏ bé, Lệ Thủy là một trong hai vựa lúa của tỉnh Quảng Bình nổi tiếng với câu ca: Nhất Đồng Nai nhì Hai huyện. Vùng đất Lệ Thủy là một vùng đất văn vật, qua nhiều thế hệ đã sáng tạo ra nhiều câu ca hò vè như hò khoan Lệ Thủy thắm đượm tình quê hương xứ sở: “Ơ ..Hơ…. hơ… thiếp thương chàng đêm sương ngày nắng, Chơ … chàng thương thiếp không biết nhắn với ai, nhắn với ai sợ ai sai lời nói… chơ chàng thương thiếp thì mỏi dạ con ngươi, chơ hoa sầu nhị héo không tươi, chơ đêm năm canh mà... em cứ …. Hơ hơ.. ơ ơ ..”
Lệ Thủy ôm trọn trong mình dòng sông Kiến Giang thơ mộng cho nước mát ruộng đồng và cho cây trái bốn mùa xanh tốt, đặc biệt gần thượng nguồn dòng sông Kiến Giang, thiên nhiên ưu đãi cho Lệ Thủy một dòng suối nước nóng suối Bang xuất lộ 105 độ C, là nguồn suối nước nóng hện đã và đang được khai thác làm nước giải khát, chữa bệnh và du lịch.
Dọc hai bên bờ dòng sông Kiến Giang nhiều đình chùa lăng tẩm tồn tại uy nghi, minh chứng cho một vùng đất địa linh nhân kiệt, tôn vinh các bậc danh nho như Quân công Dương Văn An, Phạm Đại Kháng, Nguyễn Đăng Hành, Vũ Xuân Xán, Lê Đại, Phan Văn Khải, Võ Khắc Triển… là những người học rộng tài cao có công với dân với nước. Đây là một nét đẹp văn hóa của làng thôn Lệ Thủy, sống có đạo lý, trọng nghĩa tình và luôn tri ân các bậc hiền tài. Lệ Thủy còn là quê hương của đại tướng Võ Nguyên Giáp người đã làm rạng danh cho quê hương đất nước bằng cách sớm tìm ra con đường cứu dân cứu nước chân chính, trở thành người học trò lỗi lạc của Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Vị đại tướng của quân đội NDVN, đức độ và tài năng của Đại Tướng được nhân dân trong nước và thế giới mến mộ và kính trọng.
Sản xuất lương thực là nghề chính và chiếm đại đa số lao động của cư dân trong huyện, Lệ Thủy là một trong hai vựa lúa của tỉnh Quảng Bình nhân dân quen nghề cày cấy, cần cù và có nhiều kinh nghiệm thâm canh lúa trên một vùng đất mà khí hậu vô cùng khắc nghiệt, hạt thóc hạt vàng, thấm đậm bao mồ hôi nước mắt và đã từng nuôi sống, chắp cánh cho biết bao thế hệ. Với những vườn rau cây trái, mùa nào thức ấy, đậm đà hương vị quê hương. Dù ai đi đâu, về đâu, dù ai đi mãi không về, khó có thể quên được cái vị chua chua ngọt ngọt của quả dâu da, cái mát lạnh của nước dừa Lệ Thủy, và cái ngọt sắc của mùa nhãn lòng quê hương.
Dọc hai bên lưu vực sông kiến giang là những đồi cỏ xanh tươi rất thận lợi cho việc nuôi đại gia súc lấy sức cày sức kéo, và mang lại lợi ích đáng kể cho người nông dân. Xưa kia Lệ Thủy có những làng nghề thủ công nổi tiếng khắp vùng, ngày nay tuy đã bị mai một nhưng một số nghề thủ công gia dụng vẫn được duy trì trong các làng quê phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Với nguồn nguyên liệu sẵn có, rẻ tiền, và với thú vui, cùng bàn tay khéo léo của người nông dân lúc nông nhàn đã tạo ra nhiều sản phẩm thiết thực cho cuộc sống. Thấp thoáng những con thuyền chài lưới của làng Xuân Hồi nhắc ta nhớ về một thời, nghề đánh bắt trên sông Kiến Giang vô cùng tấp nập và hình ảnh con thuyền dòng sông mãi mãi in đậm trong tâm hồn của những người con xa xứ. Hầu hết người dân Lệ Thủy sinh ra và lớn lên đều gắn bó mật thiết với bến nước, dòng sông, con thuyền. Đặc biệt là ở tuổi thơ, ai đã từng xếp giấy làm thuyền thả nặng ước mơ hoài bảo, ai đã từng ngẩn ngơ nghe một câu hò mái đẩy, ai đã từng cầm cọ vẻ đẹp một khúc sông quê nhà? Và có hiểu được rằng tất cả các điều giản dị đó cùng với trời đất Lệ thủy, cỏ cây Lệ thủy, sông nước Lệ thủy, cuộc sống Lệ Thủy đã tạo nên vóc dáng Lệ thủy trong đời và trong văn hóa của mỗi con người.
Vậy mà Lệ thủy không phải lúc nào cũng êm đềm tươi tốt, hàng năm gió Lào tràn về mang theo hơi nóng đốt cháy cỏ cây, mùa mang và làm cạn khô sông nước. Và chẳng biết từ bao giờ? Có lẽ là từ khi con người thấy nhỏ bé trước thiên nhiên, và để tránh hiểm họa, cứ đầu mùa khô hàng năm nhân dân Lệ Thủy thường tổ chức lễ hội đua thuyền, kết hợp với lễ cũng tế cầu mưa, mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt nhân dân no đủ, yên lành. Từ đó, lễ hội đua thuyền trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống và duy trì cho đến ngày nay.
Lễ hội đua thuyền Lệ thủy còn gắn bó với truyền thuyết miếu Bà Lổ. Chuyện kể rằng: Trong lễ hội đua thuyền nọ, Bà đã hăng say hô hào đến mức xé tung hết quần áo để cổ vũ cho thuyền đua của thôn mình giật giải, Khi đã hết cuộc đua, giật mình xấu hổ. Bà đã quyên mình tự vẫn trên dòng sông Kiến Giang. Nhân dân lập miếu thờ Bà, tôn thờ một cổ động viên hăng say cổ vũ cho lễ hội đua thuyền.
Bước vào mùa lễ hội nhân dân hầu khắp các làng trong huyện Lệ Thủy giậm dựt tu bổ và bắt lại thuyền đua, nếu thuyền đã hỏng thì cử người có kinh nghiệm lên rừng tìm mua cho được gỗ Huyệt hoặc gỗ Giỗi đưa về chọn thợ đóng thuyền, thợ đóng thuyền được gọi là thợ bắt thuyền, mỗi tốp thợ đóng thuyền đều có một bí quyết riêng không tiết lộ cho người khác biết. Mỗi thôn phải có bằng được một chiếc thuyền đua, không ai chịu kém ai, thiếu tiền nhân dân tự nguyện đóng góp, kẻ ở nhà, người đi xa đều một lòng một dạ hướng về quê hương ít nhiều cũng là một chút tình góp sức cho con thuyền của thôn nhà có đựoc tốc độ cao nhất.
Thời gian đóng thuyền, bắt lại thuyền ở thôn ngày đêm như một ngày hội. luôn luôn có mặt bà con thăm hỏi động viên, tối tối những đội văn nghệ cây nhà lá vườn hát hò ngay bên cạnh những người thợ bắt thuyền, một không khí nhộn nhịp đầm ấm bao trùm cả thôn xóm trong một thời gian khá dài.
Thuyền đua Lệ Thủy gồm có 5 tấm ván, tấm ở giữa gọi là tấm tiết, 2 tấm 2 bên gọi là tấm tè, 2 tấm kế tiếp gọi là con mạn, suốt chiều dài của thuyền được buộc néo một đòn dọc từ lái đến mũi được gọi là đòn cân. Đòn cân chia đôi các thang ngang, mỗi bên thang có một người ngồi, mỗi thuyền đua có ít nhất 26 người trở lên. Số lượng người đua hoặc thuyền dài hay ngắn chở nhiều hay ít hội đua Lệ Thủy không quy định bắt buộc, tạo cho từng thôn có một mưu mẹo và bí quyết riêng trong việc đóng thuyền chọn người và đấu pháp đua.
Lệ Thủy gọi mái chèo của Nam là chầm, chầm dài 1,2m rộng bản khoảng 30cm có cán chuốt tròn vừa với tay cầm. Mái chèo của Nữ giống như mái chèo bình thường dài gần 3m và phải đứng chèo. Thuyền đua nam được gọi là thuyền bơi, trên thuyền ngoài vận động viên chầm còn có thuyền truởng chỉ huy được gọi là người chèo đề cùng với hai người chèo lái và chèo phách bố trí ở gần đuôi thuyền. Ở chính giữa thuyền có người tát nước và gõ mỏ đứng hô nhịp cho cái trai chầm, chầm cho đúng nhịp, lúc nhanh gõ nhịp mái sấp, lúc thông thả gõ nhịp mái khoan.
Thuyền đua nữ được gọi là thuyền đua, toàn bộ vận động viên đều đứng chèo, chỉ khác thuyền Nam là ở chổ người bắt nhịp không đứng ở giữa mà ngồi ở đầu mũi thuyền và dùng sên để bắt nhịp, động thái gõ mõ gõ sên thật là điệu nghệ, thật là say sưa nhằm huy động tối đa sức lực của các tay đua đưa con thuyền lướt nhanh lên phía trước.
Sau khi con thuyền được bắt xong đêm trước ngày hạ thủy để luyện tập và rạng sáng ngày bước vào lễ hội, việc cúng lễ để tạ ơn trời đất tổ tiên tổ chức tế lễ hết sức chu đáo, trong đó phải có mặt thuyền trưởng đứng ra thay mặt anh em thuyền viên lễ tạ trước khi thuyền được hạ thủy. Ở thôn xóm nào cũng vậy, lễ hạ thủy thuyền đua được tổ chưc long trọng đúng thủ tục nhưng đơn giản và trang trọng trước sự chứng kiến của bà con.
Thời gian trước ngày thi đấu từ lúc sáng sớm mờ sương cũng như lức trưa nắng oi nồng sông Kiến Giang lại ngày ngày gơn sóng nhộn nhịp đón những đoàn đua của các địa phương say sưa tập luyện. Sự xuất hiện của các đoàn đua Nam Nữ say sưa tập luyện như con én báo tin vui ngày hội truyền thống đang đến gần, tạo không khí háo hức đợi chờ rộn ràng huyện nhà qua suốt một năm bình lặng lao động làm ăn.
Với số lượng đoàn đua mỗi năm một nhiều, có năm lên tới vài chục thuyền, hằng trăm vận động viên tham gia và hàng vạn khán giả cổ động vì vậy việc tổ chức đấu vòng loại ở các xã để chọn ra các đội đua xuất sắc để chọn ra các thuyền đua xuất sắc để đi thi cấp huyện. Dù chỉ là hội thi đua vòng loại của tuyến xã nhưng nhân dân tham gia cổ vũ động viên hết sức đông đảo. Già, trẻ, gái, trai các em học sinh tề tựu đông đủ, trên tất cả tuyến đê, đường cao đều chật ních bà con đứng cổ động nhiều người tràn xuống cả dòng sông để động viên khích lệ để được hô hào, để được tát nước cho vận động viên ra sức vươn tới và thật vô tư không kể thuyền của ai, thuyền của thôn xóm nào đều được bà con yêu thương như nhau.
Vào ngày chính thức lễ hội mới sáng sớm bà con đã ăn mặc chỉnh tề tề tựu về trung tâm huyện lỵ để tham dự lễ hội đua thuyền của huyện. Dự lễ khai mạc có đủ các quan khách của trung ương của tỉnh, cung hàg vạn nhân dân Lệ Thủy tham dự. Sự xuất phát của các tay đua nữ được sự cổ vũ của hàng vạn nhân dân đứng hai bên bờ sông hò reo dậy trời.
Phụ nữ Lệ thủy nói riêng cũng như phụ nữ Quảng Bình nói chung đều sẵn có một một phẩm chât quý hiếm lao động cần cù nhẫn nại chịu thương chịu khó thương yêu chồng con hết mức, nhưng cũng năng động sáng tạo trong công tác xã hội và hết mực duyên dáng trong cuộc sống đời thường.
Đua thuyền nam, nhân dân Lệ Thủy gọi là thuyền bơi, thông thường mỗi thuyền có từ 35 đến 38 người tùy theo độ dài của thuyền mà xóm thôn tự chọn.  Độ dài của đoạn đường đua nam dài khoảng 24 km, trong đó phải qua vòng thượng tiêu và hạ tiêu trước khi về đích với độ dài dài như vậy vận động viên phải điều tiết sức lực cho phù hợp lúc khoan thai thông thả nghĩ ngơi để lấy sức thì theo nhịp mái khoan, lúc gấp gáp tăng tốc thì theo nhịp mái sấp. Trong suốt chiều dài đoạn đua tùy theo hoàn cảnh mà người cầm mỏ linh hoạt điều khiển để thuyền đua chiếm vững lợi thế.

Tham dự lễ hội đua thuyền Lệ Thủy ta có cảm giác lâng lâng giữa bầu nhiệt huyết, và thật sự xúc động khi đứng giữa bà con, tất cả mọi người cứ như hòa tan vào không khí lễ hội, hòa tan vào tình yêu thương mênh mông của trời mây, sông nước, với những con thuyền. Ai ai cũng muốn ào ra bờ sông, ào ra sát mép nước để vẫy lên một dòng nước mát lành, để hò reo cổ vũ cho vận động viên ra sức chèo tới.
Suốt cả chặng đua hấp dẫn nhất vẫn là lúc bóng phao, 2 vòng cua thượng tiêu, Hạ tiêu, và lúc về đích. Các thuyền đua thể hiện được tinh thần đoàn kết gắn bó keo sơn, hiệp đồng chuẩn mực đã tạo cho lễ hội đua thuyền Lệ Thủy những hình ảnh đẹp, sinh động đầy ấn tượng trong lòng hàng vạn khán giả gần xa về tham dự.
Share this post
  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...

0 nhận xét

:) :-) :)) =)) :( :-( :(( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ :-$ (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer

 
© 2013 Lương Thanh Tường
Liên Hệ : Luongthanhtuong24.6.1997@gmail.com
GoogleComments RSS
Chuyển Lên Trên
Chuyển Lên Trên