Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2013

Thuyết minh về làng cổ Phước Tích

Về làng cổ Phước Tích nghe kể chuyện xưa


Phước Tích, hiện thân cho một vùng làng quê Việt bình yên quá đỗi, giữa đất Huế nổi danh với đền đài lăng tẩm cổ kính trầm mặc.
Nằm giáp ranh giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị, cách thành phố Huế khoảng 30km, xe chạy theo quốc lộ 1A, sau đó quẹo vào quốc lộ 49 khoảng 1km, dọc theo dòng sông Ô Lâu xanh ngắt lặng lờ, du khách sẽ gặp ngay một khung cảnh làng quê yên bình, với những hàng chè tàu bọc quanh những ngôi nhà rường cổ kính, những ngôi nhà thờ họ, đình làng, miếu thờ, di tích 12 bến nước.
Từ đầu cổng làng đi vào, điểm tham quan đầu tiên là miếu Cây Thị, tương truyền có lịch sử gần bảy trăm năm tuổi. Gốc cây thị to, chu vi khoảng 4 - 5 người ôm, thân cây cao vút cành lá sum suê, thân cây rỗng ruột, có khoảng trống để chui đầu vào nhìn từ dưới lên trời xanh. Bên cạnh cây thị có ngôi miếu ngày xưa dân làng lập với những hoa văn hoạ tiết giao thoa hai nền văn hoá Việt - Chămpa. Nét giao thoa văn hoá Việt - Chămpa, trong đó có những miếu thờ linh vật Linga - Yoni của văn hoá Chăm, còn lưu giữ tại những di tích đền, miếu (Quang Tế, Bà Giang...) khác, hay tại các khu vực bến nước cổ trong làng.
Ông Hoàng Tấn Minh, con cháu một trong những tộc lớn nhất tại làng, hiện là trưởng thôn Phước Phú (làng Phước Tích thuộc thôn Phước Phú, xã Phong Hoà, huyện Phong Điền), là hướng dẫn viên khá nhiệt tình đưa đoàn đi bộ khám phá quanh làng. Theo ông Minh, tính đến tháng 1.2010, làng Phước Tích có 117 nhà, trong đó gồm 37 nhà cổ. Căn nhà có độ tuổi cao nhất là gần hai trăm năm, thấp nhất khoảng 100 năm. Chính những căn nhà rường cổ kính này là một trong những yếu tố chính xây dựng nên linh hồn làng cổ Phước Tích, mà theo cách đặt gọi tên của kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính là nên gọi là làng di sản.
Kiến trúc nhà cổ tại đây gồm loại nhà một gian hai chái và loại nhà ba gian hai chái, như các nhà của gia đình ông Hồ Văn Tế, bà Hồ Thu Nga, nhà cụ Trương Thị Thú... Phần lớn thiết kế bằng gỗ mít từ cột, cửa, trần nhà, gian thờ, tủ đựng quần áo, giường, phản, có những ngôi nhà chạm khắc tinh xảo thể hiện bàn tay tài hoa của các nghệ nhân xứ Huế. Nhà cổ ở đây mái lợp ngói liệt màu nâu sậm theo thời gian, giữa bờ nóc có mặt nhật, bờ nắp và bờ quyết được đắp nổi các kiểu trang trí. Theo đánh giá của các chuyên gia kiến trúc và văn hoá, đây là kiểu nhà vườn có giá trị cao không những về mặt kiến trúc mà còn có giá trị mỹ thuật.
2403mieucaythi
Miếu Cây Thị phong rêu cổ kính ở Phước Tích
Nhà vườn cụ Trương Thị Thú hình thức ba gian hai chái tuy đã qua hàng trăm năm nhưng bề ngoài vẫn vững chãi. Khi khách bước vào trong nhà sẽ phát hiện nội thất được bài trí rất đẹp, hệ thống và kèo với các kiểu chạm trổ hoa văn tinh xảo ở các bức đố, liên ba, kèo và nhà có cửa "thượng song hạ bản" bên ngoài và cửa "bản khoa" bên trong ngăn cách tạo nên các phòng riêng biệt. Cụ Trương Thị Thú năm nay đã ngoài tám mươi nhưng tinh thần còn khá minh mẫn. Cụ cho hay, kiến trúc nhà bảo đảm mùa hè mát mẻ, mùa đông ấm áp. Khách đến thăm, cụ Thú ngồi trên phản gỗ mít xưa kể cho khách nghe những câu chuyện thú vị liên quan nhà cổ và văn hoá bản địa độc đáo bao đời nay của Phước Tích. Và cũng chính cụ thân chinh tiễn khách ra tận cổng ngõ, bịn rịn chia tay hẹn ngày gặp lại.
Ngoài nhà cổ, hệ thống giao thông đường sá, khuôn viên các nhà vườn cũng được thiết kế vừa đủ thông thoáng tự nhiên, giao hoà giữa thiên nhiên, cảnh vật, con người. Nếu bạn đi dạo quanh làng, tinh ý sẽ phát hiện giữa hai bờ sông Ô Lâu chạy dọc làng Phước Tích có "hai thế giới". Bên này là đất của người sống, bên kia là nơi nằm của người khuất, từng lưu truyền bao đời qua hai câu thơ hàm nghĩa sinh tử tâm linh và tình cảm của người dân trong làng: "Sống Cồn Dương thác về hà cát/ Biệt ly cách mấy nhịp chờ sang sông". Cồn Dương là tên ngày xưa của Phước Tích, sau đổi sang Phước Tích với ý nghĩa "tích phước đời sau cho con cháu", một cách khuyên răn lẽ sống ở đời. Ngoài kiến trúc, văn hoá tâm linh thì văn hoá cộng đồng làng, cũng là giá trị độc đáo của vùng đất này. Đây cũng chính là giá trị bền vững mà hầu hết các cộng đồng trên thế giới giữ gìn và hướng tới.
Theo sử sách, Phước Tích được thành lập vào năm 1470, thời vua Lê Thánh Tông. Người lập làng là hầu tước Hoàng Minh Hùng, quê gốc Nghệ An.
Từ phát hiện và đề đạt của những kiến trúc sư tâm huyết thuộc hội Kiến trúc sư Việt Nam vào năm 2003, trong đó có kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, gợi mở cho các nhà quản lý chính quyền Thừa Thiên Huế một cách nhìn khác về điểm đến này. Festival Huế 2006 đã chính thức đưa Phước Tích trở thành tour tham quan dành cho du khách, và tháng 6.2009, bộ Văn hoá - thể thao - du lịch chính thức công nhận Phước Tích là di tích cấp quốc gia. Nhiều công ty du lịch đã đưa Phước Tích vào danh mục điểm đến "homestay".
Share this post
  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...

0 nhận xét

:) :-) :)) =)) :( :-( :(( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ :-$ (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer

 
© 2013 Lương Thanh Tường
Liên Hệ : Luongthanhtuong24.6.1997@gmail.com
GoogleComments RSS
Chuyển Lên Trên
Chuyển Lên Trên