Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

Thuyết minh về làng cổ Phước Tích

“Lu đôộc,om tréc”- những từ ngữ gần gủi, yêu thương của bao thế hệ dân làng Phước Tích. Xin kính tặng bài viết này đến bà con Phước Tích, những ai đã qua một thời và nay vẫn đang đau đáu ấp ủ ước mong phục hồi và phát triển nghề gốm của làng mình. Làm đoộc. Trước năm 1945 làng Phước tích nhiều lò Đoộc: Lò Thanh, Lò Nậy, Lò Bàng, Lò Mụ Tú Trợ, Lò Ông Cổong, Lò Ông Dĩ, Lò Xóm Dưới .. Lò đoộc có dáng hình bầu dài chừng 30 mét. Phía trước có cửa lò. Phía sau là “đạo”. Hai bên thân lò có bệ lò xây cao để sấy lu độoc thô (chưa nung). Sân lò là một khoảng trống, phẳng lì để thao tác khi nung lò. Sân lò còn là nơi trò chuyện của dân làng, đến đây lúc nhàn rỗi, hàn huyên, tâm tình chuyện làng, chuyện đời, chuyện họ đương, chuyên học hành của con cháu. Mái che lò làm bằng khung tre theo hình tam giác, lợp bằng tranh. Các lò được xây đắp bằng đất đỏ dọc theo bờ sông Ô Lâu, tập trung ở xóm Đình ( xóm giữa). Nhiên liệu đốt lò là củi. Củi là những khúc gỗ dài từ 1 đến 1,5m có đường kính từ 10-30cm. Khai thác củi ở rừng Trường Sơn, kết thành bè, xuôi theo dòng sông Thác Ma, qua cầu Mỹ Chánh,về đến ngã ba sông rồi ngược dòng Ô lâu về làng Phước tích. Các thân gỗ dùng làm củi dài đến 2-3 m. Người thợ rừng đã dùng rìu xuyên thủng hai đầu khúc củi. Đóng các khúc củi với nhau thành mảng, rộng 2 đến 3m. Kết nối các mảng lại thành bè bằng các thân cây nhỏ dài gọi là “róng”. Khi đưa củi lên bờ, người ta chặt thành từng khúc dài từ 1 đến 1,5m (gọi là “Tệt “củi). Để củi chóng khô, bà con thường lấy dao bóc hết vỏ. Những mảnh vụn lấy ra từ “Tệt củi” và vỏ gỗ bóc ra gọi là “bai”. Bà con phơi khô, tích trữ làm nguồn nhiên liệu đun bếp ở các gia đình. Người nghèo đi nhặt lại các mảnh bỏ sót, rơi vải hay dùng dao đẽo những miếng vỏ còn sót lại gọi là đi “móot” bai. Lúc bè gỗ về, dân làng tụ tập lại ở các bến sông, người gỡ mây, người vác róng, vác củi lên bờ. Những cây róng dài và sợi mây được sử dụng làm vật liệu xây giàn bí, giàn bầu, chuồng heo, chuồng gà hoặc làm đòn tay cho các túp lều nhỏ. Róng và mây còn là vật liệu buộc chặt mái nhà khi trời có mưa bão. Từ bờ sông lên đến lò là những chồng củi, xếp theo hình lục giác hoặc ngũ giác. Khúc củi này chồng lên đầu khúc củi kia thành những chồng cao đến mươi mười lăm mét. Dưới ánh nắng hè chói chang, gió nam vi vút thổi (gió Lào miền trung), chẳng bao lâu củi khô và sử dụng để đốt lò đoộc . Các sản phẩm gốm Phước tích thường là lu, độoc, chậu, ghè, thóng, bình vôi, bình nước, con tu huýt có kích cở cao thấp, thẳng, bầu khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của thị trường. Đất sét làng Dương Khánh (Hải Lăng, Quảng Trị) là nguyên liệu chính. Làng được đặc ân đi các nơi khai thác những gì cần cho nghề. Lên rừng lấy củi, sang Cồn Gióng, Dương Khánh (Hải Chánh, Hải Dương, Hải Lăng- Quảng Trị) lấy đất sét. Bà con dùng “thêu” (xuổng) để xắn đất sét, dùng “nề” để cắt đất sét thành những khối nhỏ cỡ 15x15 cm. Chuyền đất xuống thuyền gọi là “nốoc” chở về Phước tích. Đất sét chứa trong nhà thành những đống lớn. Chế biến đất sét thành nguyên liệu gốm bằng cách chất đất sét cục thành đống nhỏ, rưới nước cho đất mềm. Lấy thêu mỏng, xẻ đất thành lát nhỏ. Chuyển vị trí, từ đống này thành đống khác, rưới nước, xẻ nhỏ cho đến khi đất mềm và dùng chân đạp gọi là “đạp đất”. Rải cát trên nền đất. Lấy nề cắt đất thành miếng, vun lên thành đống, rưới nước, đạp đất từ trong ra ngoài. Đảo lớp đất, trên xuống dưới và dưới lên trên. Rưới nước, đạp đất, chuyển qua chuyển lại nhiều lần đến khi đất có độ mềm và độ dẻo cần thiết. Chuẩn bị đất xong, vun đất thành đống. Để lớp đất bên ngoài không bị khô, bà con thường phủ lên đống đất một tấm vải bố dày và rưới nước chung quanh chờ đến lúc “thợ xên chuốc”, các nghệ nhân tạo dáng gốm bắt đầu công việc sáng tạo của mình. Thợ đạp đất thường là người khỏe mạnh, có bàn chân chắc nịch, có sức dẽo dai, với đôi chân nhảy lên nhảy xuống uyễn chuyễn theo nhịp của bàn chân.. Một nhịp mạnh và một nhịp nhẹ kèm theo. Bàn “xên chuốc” của gốm Phước tích làm bằng gỗ mít, bao gồm một cái bàn xoay hình tròn. Tại tâm bàn xoay, kết dính với một ống hình trụ tròn rỗng lồng vào trụ gỗ hình chóp tròn, láng bóng sao cho khi xoay thì bàn chuốc quay tròn với tốc độ nhanh chậm do người thợ xên điều khiển bằng bàn tay. Chôn trụ gỗ bàn xên chuốc xuống nền đất cứng. Có ba tấm gỗ dày, đặt trên giá, xếp thành hình chữ U. Một thanh cao để người thợ chuốc ngồi, đặt một chậu nhỏ đầy nước. Thanh thấp hơn dùng sắp đất, người thợ xên đứng để nhối đất vừa đủ lượng cần thiết cho một vật gốm. Người thợ chuốc đặt đất trên bàn chuốc xoay tròn và tạo dáng vật gốm. Người thợ xên vừa nhồi đất vừa đẩy bàn xoay một cách nhanh nhẹn. Tay phải đẩy bàn xoay, rút tay phải về hợp cùng tay trái nhồi đất. Những động tác nhịp nhàng di chuyễn yểu điệu, đung đưa cả phần cơ thể một cách dẻo dai. Cả khối đất cứ thế tròn lại và dài ra đúng tầm cỡ theo yêu cầu người thợ chuốc. Khi người thợ xên đẩy bàn xoay quay tròn, tay trái người thợ chuốc cầm miếng vải đã nhúng nước đặt phía ngoài, tay phải cầm chiếc vòng sắt mỏng đặt giữa khối đất xoắn ốc. Tay phải đặt lên khối đất, đè xuống và nông ra. Tay trái kéo trượt từ dưới lên sao cho khối đất cao dần. Với hai bàn tay nhịp nhàng điêu luyện khối đất to lên và mỏng ra theo hình dáng lu, ghè, om, thóng..Người thợ chuốc tạo dáng các vật gốm khi bàn xoay cứ xoay tròn nhanh dần. Sờ, nắn, uốn lượn, bóp vào, nông ra cứ thế mà vật gốm thay hình đổi dạng theo mười ngón tay tài hoa của người thợ chuốc. Chỗ dày, chỗ mỏng, chỗ to, chỗ bé, nơi cao, nơi thấp. Khi vật gốm đã hoàn toàn tạo dáng trên bàn chuốc, người thợ chuốc dùng sợi thép (gọi là dây dợ) mảnh mai cắt ngang phần đáy, người thợ xên dùng đôi bàn tay nhẹ nhàng, bưng vật gốm ra khỏi bàn chuốc một cách nhanh nhẹn, tài tình. Tạo dáng xong, vật gốm được đặt trên nền đất phẳng có lớp cát mỏng, phơi khô dần dưới nắng trời. Sau đó là công việc của người “thợ nguội ”. Nếu thợ chuốc là nghệ nhân tạo dáng thô các vật gốm thì thợ nguội định hình, tạo hồn cho gốm. Người thợ nguội dùng “vá” để làm “láng” bên trong, nông ra hay nắn vào sao cho vật gốm tròn trịa đều đặn, dáng dấp phù hợp. Phơi gốm khô dần, đủ độ mềm cần thiết. Người thợ nguội dùng một chiếc vòng sắt mỏng bào mòn những phần đất dư thừa bên ngoài và tạo cho vật gốm có độ dày, mỏng thích hợp, công việc này gọi là “cạo lu”, “cạo chậu”… Khi công việc chế tác hoàn thiện, người ta phơi gốm thật khô dưới nắng trời hay sắp xếp trên bệ lò đoộc, tận dụng sức nóng của lò đoộc, chờ gốm khô. Nắng và gió là thiên thời cho nghề gốm Phước tich. Công việc xên chuốc tạo dáng vật gốm chỉ thực hiện lúc trời nắng. Mùa mưa đến, dân làng Phước tích chuyển qua nghề phụ bửa cau, sấy cau, nấu ép dầu chuồng… Để có đủ các vật gốm của một “lò”, các chủ lò phải tạo ra nhiều vật gốm có kích cỡ to nhỏ khác nhau, lồng được vật gốm này vào vật gốm kia.. Các vật gốm nhỏ như thóng, om, bình vôi , con tu huýt được lồng vào lu. Chậu nhỏ lồng vào chậu to. Xếp vật gốm vào lò phải là thợ có kinh nghiệm. Xếp gốm nhỏ vào sau lò, gốm to vào phía trước. Các vật gốm được chồng lên nhau, sắp thành hàng sao cho ít chiếm thể tích nhất và có khe hở để ngọn lửa dễ xuyên qua gọi là “thông lò”. Khi các vật gốm chứa đầy trong lò thì công việc đốt lò bắt đầu. Công việc đốt lò có hai giai đoạn : nhúm lò và nung.. Nhúm lò là giai đoạn cung cấp nhiệt từ từ để gốm cứng dần. Người ta dùng những khúc củi to, cháy chậm. Đốt củi ở giai đoạn nhúm lò khoảng hai ngày cho nhiệt độ tăng dần. Giai đoạn nung lò là lúc cung cấp nhiệt cao hơn, mạnh hơn đễ gốm chảy và kết dính đồng đều. Ở giai đoạn này, men gốm có sẵn trong đất sét chảy ra, tạo màu sắc gốm. Những thanh củi tròn được chất đầy kín miệng lò. Lửa cháy rừng rực, sức nóng của lò lên đến 1000-1500oC. Khi nung, người thợ lò dùng các cây róng dài đẩy những thanh củi đang cháy vào phía trong và dọc theo thân lò sao cho lửa xuyên suốt và tuồn lên đạo lò. Dùng cái “trang” để cào và xúc những vữa than hồng ra khỏi miệng lò. Ngọn lữa xuyên qua những chồng gốm trong lò đều đặn.. Tưới nước đến tắt hẳn những vữa than vớt ra, để khô dùng vào việc sấy cau khô hoặc sưởi ấm trong mùa đông giá rét. Những người thợ lò có kinh nghiệm nhìn màu sắc ngọn lửa trên các chồng gốm trước miệng lò và màu sắc ngọn lửa thoát ra trên đạo lò để kết thúc giai đoạn nung lò. Khi giai đoạn nung lò kết thúc, người ta bít miệng lò, đạo lò bằng đất và gạch. Chờ lò nguội đến lúc “ra lò”. “Ra lò“ là từ ngữ biểu tượng mùa thu hoạch sau bao ngày vất vả, gian truân nhưng đầy thi vị của một làng quê gốm có truyền thống. Giai đoạn nhúm, nung lò là thời gian vui vẻ. Người thợ lò ăn năm bữa một ngày, ba bữa chính và hai bữa phụ gọi là “hàng lỡ “. Các bữa chính thường là cơm thịt cá rau canh và một chút rượu nồng. Bữa phụ có cháo bánh canh, cháo gà, cháo vịt hoặc chè đậu xanh, đậu váng... Người cao tuổi thường tụ tập lại đây uống nước chè xanh, hàn huyên tâm sự, đánh cờ, ngâm Kiều, kể chuyện Tam quốc chí, Thủy hử, đọc thơ Hồ Xuân Hương với tiếng cười hóm hỉnh…Ra lò là công việc cuối cùng của lò đoộc. Khi lò đã nguội hẳn, bà con tháo cửa lò, đạo lò, bốc giỡ các chồng gốm chín đều có màu sắc tươi mới. Lấy khuỷu ngón tay gõ lên chiếc lu, chiếc ghè, âu chậu, om…thì vọng ra tiếng boong boong. Tiếng boong boong tròn, vang xa là gốm chắc, gốm bền, gốm chín đều. Vui nhất là lũ trẻ chúng nó lấy những con tu huýt và thổi. Tiếng vang của tu huýt vui vẻ và rộn rã cả làng. Những om muối lò trắng tươi được lấy ra từ đáy đạo lò. Bà con Phước tích thường dùng muối lò để pha chế thức ăn hằng ngày hoặc làm tương chao. Muối ăn mua ngoài chợ có màu xám vì cò lẫn nhiều chất hữu cơ. Bà con cho vài ba kilogam muối thô vào cái om và đặt vào dưới đạo lò. Nhiệt độ tại đạo lò thấp hơn, các chất hữu cơ cháy hết, muối trở nên tinh khiết và trắng mượt mà. Dưới sông thuyền bè chờ sẵn, vận chuyển đồ gốm Phước tích đi về mọi nẻo các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị,Thừa Thiên, có khi vào tận Quảng Nam, Quang Ngãi…Gốm Phước tích bày bán ở chơ Cầu, chợ Do, chợ Huyện, chợ Sải, chợ Ngô Xá (thuộc Quảng Trị) hay chợ Cần, chợ Kệ, chợ Đông Ba giữa kinh kỳ xứ Huế. Bà con gánh lu, chậu, ghè, om, bình vôi, bình nước đi về các miền quê như Câu Nhi thượng, Câu Nhi hạ, Vân Trị, Đơn Quế, Chí long, Làng Mai, Phú Nông, Ưu Điềm,Trạch Phổ, Mỹ Cang, Mỹ Xuyên… để bán hay đổi lúa, đổi đậu, đổi mè, đổi ruốc, đổi đường, đổi muối.... Tùy theo giá trị của gốm. Một gốm bằng bao nhiêu thóc, bao nhiêu đậu, bao nhiêu mè. Công cụ đo lường là thể tích chiếc lu, chiếc chậu, chiếc ghè…Sáng đi chiều về. Những chị, những anh trên vai đôi quang gánh chứa đầy lu, đôọc, om ghè và con tu huýt tỏa về muôn nẻo đường vùng lân cận. Những chiếc thuyền nhỏ chở đầy gốm xuôi ngược dòng Ô lâu, Cầu Hai, Nước Ngọt hoặc vượt phá Tam giang, gánh gốm lên đổi, bán ở các làng ven bờ. Thóc lúa, đậu mè mang về phơi khô, chứa đầy trong lu to gọi là “lu quế” hay “kiệu” là nguồn của cải, lương thực chủ yếu của dân làng. Gốm Phước Tích có mặt khắp làng quê trong các tỉnh miền trung. Tiếng tăm, thương hiệu đoộc Phước tích cứ lan dần. Có đoộc là có công ăn việc làm. Có đoộc là có lúa, có đậu, có mè, có hàng hóa tích lũy đổi chác ra bạc tiền. Có tiền cho con đi học trường xã, trường huyện hay vào Huế ra Quảng Tri. Nhiều người thành đạt trong khoa cử, trở thành ông nghè, ông cử đi làm tri huyện, tri phủ, dạy học ở các tỉnh từ Thanh Hóa vào tận Phan Thiết, Bình Tuy…vì thế có câu “Tú tài lấy triêng mà gạt. Cử nhân lấy trạc mà sương”. Sự thành đạt của com em trong làng là nhờ nghề đoộc Phước tích. Thời huy hoàng đoộc Phước tích để lại trong lòng con người Phước tích những kỷ niệm buồn vui dĩ vãng, muôn nhớ nghìn thương. Niềm vui của đoộc Phước tích là vườn tược xanh tươi, bao bọc bởi hàng chè tàu có dây tơ hồng vàng rực, đan qua đan lại, trông vui mắt làm sao. Những đêm rằm, vằng vặc trăng soi, nhiều cô gái tuổi đôi mươi gánh nước tưới vườn, vui như trẩy hội. Hàng cau, vườn trầu xanh mướt một màu. Những cây thang dài, vươn mình lên tận ngọn cau hái trầu. Tiếng lách tách hái trầu chen lẫn nụ cười duyên dáng, đượm chút mơ màng đâu đó. Làng xóm trên bến dưới thuyền, dân làng đông vui, học hành thành đạt, đoàn kết thương yêu. Nỗi buồn của Phước tích là đất chật người đông, sự phân hóa giàu nghèo, qui luật nghiệt ngã muôn đời của tạo hóa. Làm om tréc Cách mạng tháng tám đến với làng Phước tích như ngọn gió lành. Mọi sự đều đổi thay. Trong làng không còn lý trưởng. Các chức sắc tri phủ, tri huyện, các công chức về lại làng quê. Tổ chức thanh niên, phụ nữ, phụ lão, nhi đồng ra đời, đem lại sinh khí vui vẻ cho con người tự do độc lập. Những lớp bình dân học vụ, những giờ phút tham gia bầu cử đại biểu các cấp vui vẻ rộn ràng của dân làng trong tiếng hát, tiếng cười, tiếng trống cổ động reo hò. Nghề độoc Phước tích thả mình theo chế độ mới và những đổi thay bên ngoài xã hội. Ngày tháng trôi qua, độoc Phước tích vẫn “ra lò” và chở gốm đi bán khắp mọi miền. Tiếng tu huýt vẫn ngân vang khi đông qua hè đến. Ngày vui chẳng được bao lâu. Pháp trở lại xâm chiếm Việt Nam. Toàn quốc kháng chiến. Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch và Mặt trận Viêt Minh, thực hiện chủ trương vườn không nhà trống, đền chùa, cầu làng, nhà thờ họ bị phá hoặc tháo ngói. Các ngôi nhà “rườn” lớn trong làng cũng cùng chung số phận. Trai làng đua nhau lên đường kháng chiến. Tây đóng đồn Mỹ Chánh, xây lô cốt dưới chân cầu làng. Những bè củi, những “nốoc” đất xuôi về làng ngày càng thưa thớt vì ngăn cầu, cấm sông. Tiếng bom, tiếng súng đã rền vang. Tang tóc đau thương phủ lên một màu ảm đạm. Ánh lửa không còn chập chờn cháy sáng ở các lò độoc. Dưới bến sông không còn thuyền đò tấp nập đi về. Ngày cũng như đêm ngột ngạt bởi khói bom, khói đạn, gậy gộc, súng gươm. Dân làng lo lắng mưu sinh. Gia đình giàu cũng như nghèo, hằng ngày vẫn phải đỏ lửa hai lần. Có gia đình phải khoai sắn, rau cháo qua ngày. Vì sự tồn tại, không làm nghề độoc thì phải làm gì? Những câu hỏi trăn trở dân làng, vẫn đau đáu trong suy tư và tìm kiếm. Giặc Pháp xây đồn, xây lô cốt khắp nơi. Đi lại trao đổi lưu thông hàng hóa khó khăn. Một nền kinh tế tự cung, tự cấp đã hình thành với qui luật tất yếu của cuộc kháng chiến trường kỳ. “Ai đó” trong làng đã nghĩ ra cách làm “om tréc”, thứ đồ gốm đơn giản của vùng Quảng Nam, Quảng Ngải. Om tréc là những vật dụng cần thiết cuộc sống hàng ngày ở vùng tạm chiếm lúc bấy giờ. Om để nấu cơm, đựng muối, đựng ruốc, tréc để nấu canh, kho cá, ấm để nấu nước chè xanh và sắt thuốc khi trở gió trái trời. Nhu cầu sủ dụng ở các miền quê kháng chiến, nhu cầu tồn sinh của con em dân làng Phước tích, thôi thúc những nghệ nhân xên chuốc, thợ cạo, thợ nung, thợ đạp đất…tìm ra phương thức sản xuất om tréc xứ Quàng. Lò ngả xuất hiện. Bàn xên chuốc lại hoạt động, mò mẩm tạo dáng hình cái tréc, cái ấm, cái om…Nghề om tréc thay nghề độoc đã hình thành ở làng Phước tích từ đó.. Con em dân làng Phước tích vốn giàu tính thông minh, sáng tạo và cần cù. Om phải có quai. Ấm phải có vòi. Thế là một đội thợ bắt quai om, quai ấm, “dắm” om, “dắm” tréc ra đời. Công cụ sản xuất dần được cải tiến, hoàn thiện cao hơn, phù hợp hơn với hình thức sản xuất mới. Vòng sắt có ba loại: vòng lớn, vòng vừa và vòng nhỏ. Vòng lớn bằng sắt cứng, mép mỏng dùng cạo các mãng đất dày. Vòng vừa mảnh mai dùng cạo thô, cạo tinh. Vòng nhỏ dày mép dùng để chà phẳng và trau chuốt trơn tru mặt ngoài tréc om. Khi nhở tay cạo, bị thủng thì dùng quả xoài bằng sứ (loại dùng ở cánh cửa) để làm trơn phẳng miếng vá bên trong. Bắt quai om quai ấm thì dùng cái “lem” bằng cành cây hóp già mềm mại. Dắm om dắm tréc thì có “vá” nhỏ, “vá” to mỏng mép, láng mặt làm bằng gáo dừa. Ống hóp to chẻ đôi dùng làm khuôn mẫu quai ấm. Cắt đất dư thừa trên quai ấm thì dùng vòng cung sắt có dây thép nhỏ căng cung. Đội quân bắt quai om, quai ấm có đôi tay mỹ thuật tài hoa. Chỉ cần dùng mấy ngón tay, ve tròn, nắn bóp miếng đất sét mềm vài ba động tác là thành vòi ấm, quai om. Lò ngã được xây bằng gạch, đất trộn vôi làm chất dính kết. Khác với hình dáng lò bầu, lò ngã là một khối rỗng, đáy hình hơi chữ nhật, bề ngang 3m, chiều dài 3,5m. Độ cao của lò khoảng 1,8 đến 2,5m có hình dáng dưới to trên nhỏ. Mặt trước có cửa lò ở phía trên. Mặt đáy có 2 cầu lò từ trước ra sau. Mặt đáy trong có nhiều cầu lò, ngang dọc thông thoáng với nhau. Sân lò có hai bậc cao thấp. Che lò bằng mái tranh hay những lá cau, bẹ cau, bẹ chuối có trong vườn. Ban ngày có máy bay và Tây đi lùng thì chở đất sét từ Dương Khánh vào lúc trời tối, đêm về. Muốn có bè củi xuôi dòng về Phước tích, người có uy tín trong làng gặp ông đồn trưởng, bốt trưởng đệ trình xin phép, lo lót thương lượng… Khai thác củi trên rừng trở nên khó khăn vì cuộc kháng chiến ngày càng ác liệt. Cây khế, cây mít, cột nhà, đòn tay, rui mè từ các ngôi nhà bị đốn chặt, tháo giỡ ở các làng quê lân cận là nguồn nhiên liệu vô cùng quí giá cho nghề om tréc Phước tích lúc bấy giờ. Thân cây được chặt khúc và bữa nhỏ. Mỹ xuyên, Mỹ Cang, Trạch Phổ, Phường Trung nơi cung cấp củi cho nghề om tréc. Xuất hiện nhiều tên tuổi có tài về thu gom củi, bữa củi, bán củi... Những khối củi có thể tích 1,2,3,4,5,6m3 sắp thành hàng dài dọc đường làng Mỹ Xuyên, Mỹ Cang, Phường Trung, Trạch Phổ, Ưu điềm… Những nguồn củi tới tấp đưa về Phước Tích. Một lò om tréc thường có năm bảy chục bộ tréc, vài ba chục cái om cái ấm. Một bộ tréc, có tréc ngoài, tréc giữa, tréc con theo thứ tự, từ to đến nhỏ dần, có thể lồng vào nhau khi xếp vào lò hay chuyên chở. Từ sáng sớm đến chiều tối, hai người thợ xên chuốc có thể hoàn tất tạo dáng đủ số lượng tréc om cho một lò ngả. Người thợ chuốc tạo dáng xong, người thợ xên đặt các vật gốm còn ướt mềm lên một tấm ván gỗ mỏng dài và khiêng ra đặt trên sân dưới nắng trời. Nếu lúc gặp trời mưa thì om tréc bày la liệt trong nhà, ngoài hiên. Mỗi tấm váng chứa năm bảy chiếc tréc ngoài hoăc mươi mười lăm chiếc tréc giữa... Đội quân “dắm om”, “dắm tréc”, bắt quai ấm, quai om chủ yếu là những thanh thiếu niên tuổi đời mười lăm, mười sáu. Tấm gỗ chứa đầy tréc hoặc om được những nghệ nhân thanh thiếu niên lấy hòn gạch kê nghiêng một góc, sao cho ánh nắng trời chiếu đều trên mặt tréc từ trong ra ngoài. Cứ mười lăm phút lại quay tấm ván một lần, đặt nghiêng về phía mặt trời một góc để gốm được định hình và đủ độ mềm cân thiết, thuận lợi trong các thao tác “dắm”, một công đoạn không kém phần quan trọng của nghề tréc om. Tay phải người thợ dắm cầm chiếc “vá” đặt vào trong lòng tréc hoặc om. Tay trái nâng đỡ phần ngoài. Hai tay phối hợp nhịp nhàng, đè mạnh “vá” bên tay phải, nông thân gốm vào ra to nhỏ, chà xát sao cho mặt đáy bên trong không gồ ghề, phần vai tréc om có dáng tròn bầu. Miệng tréc phải tròn đều, có độ dày thích hợp. Để gốm khô thêm một chút lại tiếp tục chà xát, vuốt ve, nâng đỡ để kiểu dáng om tréc hoàn chỉnh, trơn láng toàn bộ mặt trong. Phơi mặt trong của gốm đến độ khô thích hợp thì úp ngược lại để phơi mặt ngoài. Xoay qua, xoay lại vật gốm dưới nắng trời, gốm khô đều, độ cứng vừa đủ và tiến hành cạo mặt ngoài. Dùng vòng sắt lớn, cạo mạnh, bào mòn mặt đáy đến độ thoai thoải tròn. Dùng vòng sắt vừa, mảnh mai, tu sửa phần đáy, phần vai sao cho có độ mỏng đều trên toàn bộ dáng hình tréc om. Dùng vòng nhỏ dày mép chà qua, xát lại để mặt ngoài của gốm trơn tru, láng bóng. Khi om ấm qua giai đoạn “dắm”, người ta tiến hành gắn quai lên om và gắn quai, vòi lên ấm. Om có hai quai đối diện hình khum dẹp chữ X, giữa có lỗ xuyên qua.. Ấm có quai hình nửa vòng tròn, hơi cong cong, gắn vào hai bờ đối diện của miệng ấm. Chỉ có một vòi ấm gắn vào phía dưới quai. Hình dáng vòi ấm phải được cách điệu sao cho mềm mại vừa bầu vừa cong thanh thoát. Miệng vòi ấm có bờ mép mỏng đồng đều, sắc sảo quyến rũ như miệng “cậu ấm, cô chiêu”. Bóp dẹp khối đất vuông nhỏ, nắn nhẹ ở giữa thành hình chữ X, uốn cong thế là hình thành quai om. Gắn quai lên cổ om, dùng lem hóp quệt phải, quệt trái, quệt ngang dưới chân quai và xoay lem tròn hai phía, lỗ quai được tạo thành. Để tạo dáng quai ấm, các nghệ nhân nhồi đất vào ống hóp dài xẻ đôi, lấy cung sắt cắt dọc theo ống hóp, kéo khuông đất khỏi ống hóp, uốn cong theo hình dáng, kích cở của ấm to nhỏ khác nhau. Khi quai ấm đã đủ khô, gắn quai lên hai bờ mép đối diện, đắp thêm một lớp đất nhỏ tạo chân quai, quẹt lem chung quanh chân quai theo những đường cách điệu, bay bướm. Bắt vòi ấm là một công đoạn đầy chất nghệ thuật. Nhồi đất chung quanh một miếng gỗ tròn, đầu nhỏ đầu to. Rút miếng gỗ tròn ra khỏi khối đất, dùng hai đầu ngón tay vuốt nhẹ, nông đầu to ra đến dạng hơi bầu, vuốt và uốn vòi ở phía trên có dạng sóng lượn, cong cong. Khoét lỗ và gắn vòi. Dùng lem quẹt để gắn chặt vòi với ấm. Lấy lưỡi dao mỏng cắt miệng vòi thật trơn tru sắc sảo. Phơi ấm đủ độ khô cần thiết, úp ngược ấm lên chiếc “thóng” sao cho quai ấm lọt vào lòng “thóng” và bờ vai ấm tỳ lên miệng “thóng”. Dùng vòng sắt cạo ấm đạt đến độ mỏng đồng đều, có một khoảng phẳng nhỏ ở mặt ngoài dưới đáy ấm. Những thao tác bắt quai ấm, quai om với phong cách nhanh nhẹn tài hoa của những chàng trai Phước Tích như những hình ảnh tự hào khích lệ, những lời đồn đại xa gần, khen ngợi đáng yêu. Phơi gốm thật khô, màu xám đất sét chuyển thành ngà ngà trắng. Chất om tréc vào lò là những thao tác nhẹ nhàng. Những bộ tréc được sắp thành chồng. Đặt chiếc tréc “chủ” có sức chịu đựng trên cầu lò. Bộ tréc tiếp theo chồng nghiêng lên chiếc tréc “chủ”. Bộ tréc này chồng nghiêng lên bộ tréc kia và cứ thế cao dần. Sắp các chồng tréc theo cầu lò ngang, dọc đến khi lò đầy. Om ấm sắp xếp phía trên các chồng tréc. Bịt kín miệng lò bằng gạch và đất. Phủ kín lò bằng những mảnh ngói hay om tréc vỡ. Cũng có hai giai đoạn đốt lò: nhúm lò và nung lò. Thời gian đốt lò kéo dài từ mười đến mười lăm giờ. Khi nung, những thanh củi cháy rực được chuyển dần về phía trong, dọc theo cầu lò sao cho lửa lùa lên phía trên và lan tỏa khắp lò. Nhìn màu sắc ngọn lửa thoát ra ở trên lò hay độ cao thấp của những miếng ngói phía trên để quyết định kết thúc quá trình đốt lò. Chờ lò nguội. Hai ba ngày sau đó thì “ra lò”. Đốt lò và ra lò là những ngày vui của dân làng từ già đến trẻ. Om tréc ra lò có màu vàng nhạt đượm chút tím đỏ hoặc vàng cam, màu hồng loang lổ nhẹ nhàng. Nghề om tréc tạo nên công ăn việc làm cho dân làng theo mọi lứa tuổi. Người già bàn chuyện đất, chuyện củi hoặc đi thương lượng với chính quyền đương thời cốt thuận buồm xuôi gió, dân làng yên ổn làm ăn. Người khỏe mạnh lo đạp đất, nung lò. Các chị, các anh lo xên chuốc, vá vòong. Ngày nắng lăn lộn với trời đất. Ngày mưa, già cũng như trẻ cạo tréc, cao om trong nhà. Người chưa có tay nghề vững vàng, lo cơm nước sáng trưa chiều tối. Dân làng chia ngọt sẻ bùi, trên thuận dưới hòa. Om tréc Phước tích vang tiếng một thời. Om tréc Phước tích hoàn toàn thay thế đồ gốm xứ Quảng. Tréc om Phước tích bày bán khắp các chợ như chợ Nựu, chợ Kế Môn, chợ Đại Lươc, chợ Phú Nông, chợ Cạn, chợ Chùa…Om tréc Phước tích len lỏi lên tận Huỳnh Sen, Khe Mương, Phong Thu, Hòa Mỹ… Om tréc lên đò dọc vượt qua bao đồn bốt vào tận Câu Hai, Nước Ngọt. Om tréc Phước tích lên xe lửa vào Huế, ra Quảng Trị, Đông Hà .. bày bán la liệt giữa chợ Đông Ba, chợ Sải… Ở đâu có nhu cầu là có om tréc Phước tích. Bốt đồn chằng chịt khắp miền quê Thừa Thiên, Quảng Trị, dưới bom đạn, Tây lùng và máy bay, om tréc Phước tích vẫn hiện hữu đó đây, đem đến niềm hy vọng đầy đủ về các phương tiện gia dụng nấu ăn hàng ngày. Thế mơi hiểu hết con người Phước tích thông minh, sáng tạo, khéo léo, khôn ngoan, mềm dẻo đến dường nào. Khi kháng chiến mới bắt đầu, dân làng ba xóm của Phước tích vẫn đâu ở đó trong sợ hải lo âu. Cây bưởi còn nở hoa, cây cam còn ra tráí, cây quýt vẫn còn trĩu nặng quả xanh vàng. Lò ngã từ ít đến nhiều, bàn xên chuốc vẫn tấp nập kẻ ra người vào. Thanh thiếu niên vẫn vui đùa trong tiếng bom đạn xa xa vọng về, bên ánh lửa bập bùng phát ra từ lò ngả, hình ảnh và linh hồn của tréc om. Có nghề om tréc, đời sống dân làng được ổn định. Trường làng được mở tại đình Trung. Thầy giáo làng mang hết tâm huyết dạy dỗ. Học trò làng có từ lớp năm đến lớp nhất. Dạy theo chương trình kháng chiến. Những lúc Tây qua “thăm” trường, quyển công dân lịch sử của học trò được dấu kín dưới chân bàn. Các tác phẩm dịch của Hà Mai Anh “Tâm hồn cao thượng”, thơ ngụ ngôn La Fontaine, quốc văn giáo khoa thư được các thầy phân tích, truyền cảm, khêu gợi, giáo dục tình làng nghĩa xóm, đạo đức gia đình và lòng yêu nước thiết tha. Có những học sinh chưa học qua lớp nhất, được các thầy bình chọn cho đi thi tốt nghiệp tiểu học ở vùng “tự do”. Thế mà toàn đoàn học sinh, tám người đều đổ đạt trước sự yêu mến, cảm phục của hội đồng thi tỉnh Thừa Thiên , gia đình và bà con làng xóm. Nhiều gia đình có lò ngã, bàn xên chuốc riêng. Tinh thần tương trợ lẫn nhau được dân làng đề cao. Xây dựng “Tập đoàn” lò gốm của làng gần “cây mít năm chồi”. Bên cạnh các chồng om tréc, ở đây vang lên tiếng hát, tiếng thơ kháng chiến của các anh chị cán bộ kháng chiến có dịp ghé làng. Các chiến sĩ vệ quốc đoàn thuộc trung đoán 101, trung đoàn 95 từng là con đỡ đầu của các mẹ chiến sĩ. Om tréc Phước tích có sức sống, hướng người dân làng theo kháng chiền trường kỳ, ủng hộ anh du kích, chị cán bộ xã huyện. Cuộc chiến tranh gian khổ chống Pháp tất yếu đến ngày chiến thắng. Om tréc Phước tích tạo cơ hội gây quỹ của đội Thiếu niên Phan Đình Phùng. Lá cờ màu xanh của đội có hình búp măng tung bay và bài hát đội ca vang lên giữa đền Mỹ Xuyên, xóm Cọ…Om tréc Phước tích giúp dân làng có quà, có áo quần, gởi cho con em đang ở mặt trận, có những lá thư vui, len lỏi vùng kháng chiến đến với anh vệ quốc đoàn nơi tiền phương gian khổ… Om tréc Phước tích, một thời là thế đấy !. Cuộc kháng chiến ngày càng ác liệt. Đạn moóc chê từ Mỹ Chánh, Phò trạch bay về, gầm rú, phá phách. Nhà cháy, người chết. Có anh cán bộ, bị việt gian chặt đầu treo lơ lững. Có em bé, bị làn đạn ngắm nhìn bay qua từ Hội Kỳ, lủng ruột, lết bò lên khỏi bến sông và ra đi vĩnh viễn. Cả đoàn người trẻ có, già có đi chợ Phú nông về, bị máy bay bắn chìm đò, dân làng than khóc tiếc thương trên vành khăn trắng. Cái Tết thê lương năm ấy mãi còn trong ký ức. Những trận đánh oanh liệt của du kích, bộ đội chủ lực liên tiếp diễn ra. Du kích đốt phá cầu. Giặc Pháp phải hạ cầu xuống là là mặt sông. Chiến trận diễn ra ở ngả ba Hà. Trận thắng oanh liệt của bộ đội chủ lực xảy ra ngay đầu làng, bắt tù binh, đốt xe lội nước, thu nhiều súng đạn và chiến lợi phẩm. Chiến thắng của quân dân Thừa Thiên từ Thanh Hương, Ưu Điềm, sông Bồ, Lai Chữ…liên tiếp truyền về. Lửa lò ngã vẫn cháy, om tréc Phước tích vẫn ra lò… Phước tích rào làng kháng chiến. Những cây tre la ngà cao to, vàng rực được chặt đốn. Chỉ trong một đêm, những hàng rào tre vây bủa, kéo dài dọc bở sông, phân chia xóm dưới, xóm đình. Bà con xóm dưới kéo về tá túc ở xóm giữa, xóm ngoài. Xây tạm nhà, xây lò ngã, dựng bàn xên chuốc tiếp tục mưu sinh. Trong làng chằng chịt những lối đi ngang dọc, vườn này qua vườn kia. Chiến tranh ác liệt hơn, lò ngả, bàn xên chuốc Phước Tích di chuyễn vào Mỹ Xuyên, qua Câu Nhi, về Càng, Văn Trị. Nhân dân và chính quyền kháng chiến làng Văn Trị nhường cho Phước Tích một khoảng đất rộng. Lò ngã, bàn xên chuốc được dựng lên dưới lũy tre um tùm, che mắt nhòm ngó của những chiếc máy bay “bà già”. Ban quản trị “Tập đoàn” hoạt động, tạo công ăn việc làm cho thanh niên làng về đây. Đất được chở về và tìm nguồn củi các vùng lân cận. Om tréc Phước tích lại hồi sinh nơi mảnh đất chỉ có lúa, khoai và sắn Càng. Những củ sắn chắc, bở. Ăn miếng sắn Càng kèm theo chút muối mè sao mà ngon đến thế. Xa nhà, gian khổ, khắc phục với nắng mưa. Có người mắc bệnh thương hàn và ra đi, còn để lại trên bờ vai túi xách đựng tiền quỉ của tập đoàn, đó là một thành viên ban quản trị giàu tâm huyết với om tréc làng mình. Mùa lụt về, lò ngã bị ngập, om tréc bị nhấn chìm dưới lòng nước, củi trôi dạt theo dòng chảy…Mùi vị và dư âm khó khăn về sự tồn sinh nghề nghiệp thấm vào từng thớ đất, cốt cách om tréc, như những thử thách với dân làng vững bước đi lên… Tại Mỹ Xuyên một dãy nhà chứa đất sét, bàn xên chuốc, lò ngã dựng lên bên bờ mương thông với dòng sông Ô Lâu. Om tréc xuất hiện, con em dân làng, anh chị cán bộ kháng chiến kề vai sát cánh bên ánh lửa bập bùng của lò ngã và âm thanh đều đều vọng ra từ bàn xên chuốc. Ở đây đã chứng kiến những tình yêu đối lứa, những đám cưới đời sống mới có tiếng hát, tiếng đàn từ phòng thông tin tuyên truyền huyện Phong Điền kéo về giúp vui. Om tréc Phước tích có sức mạnh, linh hồn và tình yêu kỳ diệu. Giặc Pháp chặt tre, chặt chè, chặt cau, chặt vườn cây ăn trái, xây thêm hai lô cốt đầu làng. Một ngôi làng nhỏ bao bọc bởi con sông, chỉ có một con đường đất duy nhất thông thương với c

Làng Cổ Phước Tích
Share this post
  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...

0 nhận xét

:) :-) :)) =)) :( :-( :(( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ :-$ (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer

 
© 2013 Lương Thanh Tường
Liên Hệ : Luongthanhtuong24.6.1997@gmail.com
GoogleComments RSS
Chuyển Lên Trên
Chuyển Lên Trên