Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

Thuyết minh về lễ hội đua thuyền diễn ra hàng năm ở quê em

Các tộc người ở Quảng Ngãi có nhiều loại hình lễ hội khá phong phú và đa dạng. Mỗi loại hình lễ hội mang một hoặc nhiều mục đích, ý nghĩa. Khác với những lễ hội hiện đại, các loại hình lễ hội truyền thống luôn gắn liền với tín ngưỡng, hội tụ nhiều tinh hoa văn hóa dân tộc và đóng một vai trò khá quan trọng trong việc giáo dục truyền thống, trao truyền các giá trị văn hóa của tộc người từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Chương này chỉ trình bày những lễ hội tiêu biểu của các dân tộc trong tỉnh, và trong phạm vi các lễ hội cổ truyền (1). Việc phân chia các loại hình lễ hội dưới đây chỉ mang tính tương đối, với mục đích là để tiện theo dõi các loại hình lễ hội. Các hình thức lễ tết, như Tết Nguyên đán, Tết Đoan ngọ, Tết Trung thu..., tạm thời được xếp vào chương này (dù chúng cũng có thể được xếp vào phần phong tục, tập quán). Khi xem tất cả các loại hình lễ tết và cả lễ hội chung vào chương lễ hội là xét dưới góc độ: tất cả những hình thức sinh hoạt này đều gắn liền với sinh hoạt chung của cộng đồng, có đông đảo người tham gia, vừa có phần lễ, vừa có phần hội, hoặc có đan xen giữa lễ và hội.

I. LỄ HỘI CỔ TRUYỀN CỦA NGƯỜI VIỆT

1. LỄ TẾT

Cũng giống như người Việt ở các vùng miền khác nhau, hàng năm người Việt ở Quảng Ngãi đều có nhiều ngày lễ tết, nhưng tiêu biểu hơn cả là Tết Nguyên đán, Tết Đoan ngọ, Tết Trung nguyên, Tết Trung thu.

1.1. TẾT NGUYÊN ĐÁN

Tết Nguyên đán bắt đầu một năm mới, thể hiện nhiều nét văn hoá độc đáo của dân tộc, đồng thời cũng là lễ tết quan trọng nhất, lớn nhất của người Việt ở trong nước, trong đó có Quảng Ngãi. Tết Nguyên đán là tết của từng gia đình, cũng là tết của làng xóm, cộng đồng.
Từ tháng Chạp mọi gia đình đều đã bắt đầu lo đón Tết, như chuẩn bị quần áo mới cho con cái, làm bánh mứt, trang hoàng nhà cửa, sắm sanh các vật dụng trong nhà, trả nợ, tảo mộ ông bà, giẫy mả... Cách đây vài chục năm về trước, ở nông thôn Quảng Ngãi, mỗi dịp Tết đến nhà nhà đều làm mứt gừng, bánh thuẫn, bánh in, đặc biệt là bánh nổ bằng nếp (bánh miếng, hoặc bánh cây); tiếng đóng bánh nổ làm rộn vang cả làng xóm. Ngoài việc lo chuyện nhà, thu xếp chuyện đồng áng, mọi người còn lo việc làng, như: dọn dẹp vệ sinh đường sá, quét dọn, sơn sửa đình làng, chùa chiền, dinh miếu... Từ sau ngày rằm tháng Chạp, nhiều nhà cúng tất niên. Đến ngày 23 tháng Chạp, các gia đình làm lễ cúng ông Táo và tiễn đưa ông Táo về trời. Vào các ngày 28, 29 Tết, nhà nhà đều làm bánh tét, mổ heo gà, trưng mâm ngũ quả, hoa, cây kiểng, đặc biệt là hoa mai (và hiện nay thường còn có thêm cây quất)... Ở nông thôn thì chủ yếu là trồng bông vạn thọ vào dịp Tết với sự cầu mong sống lâu, tuổi thọ. Ngày nay, mỗi dịp Tết đến, ngay từ khoảng 20 tháng Chạp có nhiều chợ hoa mở ra dọc các thị trấn trong tỉnh, như Châu Ổ, Sông Vệ, Mộ Đức, Đức Phổ, Chợ Chùa..., đặc biệt là chợ hoa xuân ở thành phố Quảng Ngãi. Nhiều gia đình, trong nhiều năm lại đây, còn chú trọng đến việc mua báo Tết.
Cứ đến ngày 30 Tết (hay 29 Tết nếu tháng Chạp thiếu), các gia đình làm lễ cúng rước ông bà, cúng Thổ công, cúng ngoài sân... Mấy chục năm về trước, nhà nào cũng dựng một cây nêu bằng tre trước nhà (mùng bảy Tết làm lễ hạ nêu, tức vào dịp Lễ Khai hạ). Ở các dinh miếu, đình, đền vào ngày 30 Tết cũng làm lễ dựng nêu (hiện nay ở Lý Sơn tục này vẫn còn giữ). Một vài nơi, ngoài cây nêu chính dựng trước sân còn có cây nêu nhỏ dựng ngoài ngõ, và cắm lá đùng đình với ý nghĩa trừ tà, xua ma quỷ.
Vào đêm Giao thừa, cả nhà cúng mừng tuổi ông bà. Ngày trước mỗi nhà đều đốt pháo (nổ) vào lúc Giao thừa, để "tống cựu, nghinh tân", "khai phương, khai tịch", nhưng từ năm 1995 Nhà nước đã cấm đốt pháo. Giờ đây mỗi năm, vào lúc Giao thừa, trong tỉnh chỉ có một đến hai điểm có bắn pháo hoa (thường là một điểm ở thành phố, còn một điểm khác thì mỗi năm có thay đổi). Sau khoảnh khắc Giao thừa, nhiều nơi còn giữ tục không ai được ra khỏi nhà, cũng không được quét nhà; còn giữ tục xông nhà, tục chọn hướng xuất hành.
Sáng sớm ngày mùng một Tết, nhiều người vào chùa hoặc đình, đền lễ Phật, lễ Thánh, hoặc vào nghĩa trang thắp hương cho liệt sĩ và những người quá cố khác. Sau đó mọi người về nhà thờ tộc họ, nhà thờ tiền hiền để làm lễ mừng tuổi ông bà, tiên tổ. Sau các lễ thức này mọi người đi chúc Tết lẫn nhau. Thường là mọi người đều đi chúc Tết theo thứ bậc trong gia đình tộc họ, lẫn thứ bậc ngoài xã hội, như đến nhà nội rồi đến nhà ngoại; đến chúc Tết thầy (Mùng Một Tết cha, mùng Hai Tết mẹ, mùng Ba Tết thầy - có thể là thầy dạy chữ, thầy dạy nghề, cả thầy thuốc..), rồi mới đến chúc Tết sui gia, ông mai, bà mối, bạn bè, đồng nghiệp... Mấy năm lại đây, Uỷ ban nhân dân các cấp còn tổ chức cho cán bộ lãnh đạo các ngành và nhân dân cứ vào sáng sớm mùng Một Tết lại tập trung trước sân trụ sở Ủy ban nhân dân làm lễ chào cờ và nghe Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thay mặt lãnh đạo địa phương chúc Tết.
Hiện nay vào dịp Tết, nhất là vào ngày mùng Một, để tránh những điều xúi quẩy có thể xảy ra trong năm, nhiều người còn giữ các điều kiêng kỵ, như không được làm đổ, bể một cái gì, kiêng quét nhà, kiêng chửi mắng, đánh đập con cái; kiêng nói những câu có từ chết chóc, hoặc xúi quẩy; kiêng khóc lóc, rên rỉ; kiêng cho vay; kiêng gặp "đàn bà" trong lúc xuất hành; kiêng "những người không hợp tuổi", hoặc thường xuyên đau ốm, hay gặp rủi ro, có tang... xông nhà, xông đất đầu năm, vv.
Vào dịp Tết Nguyên đán, nhiều người cũng còn giữ tục khai xuân, như khai bút đầu năm, mở hàng đầu năm (giới buôn bán), làm lễ xuống nghề (những người làm ngư nghiệp), làm lễ động thổ (những người làm nông nghiệp), "lì xì" cho con cháu... Các hình thức vui chơi, giải trí trong dịp Tết cũng được nhiều nơi tổ chức, như diễn văn nghệ, đua thuyền (2), thi lắc thúng, chơi bài chòi (trên 9 chòi), bài chòi chiếu...(3), các hội vui xuân, gồm thả vòng, thả bóng vào rổ, vào chai, bầu cua... Trẻ em ở thành phố, thị trấn nhiều nơi còn có đu quay, phi ngựa, chạy xe điện... Cách đây chừng vài chục năm về trước, vào dịp Tết ở những làng quê còn có diễn xướng sắc bùa (4), hát bội, dồi bòng (ở Lý Sơn), chơi lô tô, chơi tứ sắc, đánh bạc, xóc đĩa..., nhưng nay các hình thức sinh hoạt này còn rất thưa thớt. Ở các cơ sở tín ngưỡng, như đình làng, dinh miếu, chùa chiền, nhà thờ tộc họ, trong ba ngày Tết liên tục diễn ra lễ tế tạ ơn thần linh, Phật, các bậc tiền hiền, hậu hiền... Ở Lý Sơn, người dân địa phương vẫn còn giữ tục rước sắc thần, các lăng miếu không được dùng trống lớn, chỉ khi nào làng làm xong lễ động thổ, thì các dinh miếu, nhà thờ tộc họ mới được dùng trống lớn (5).
Nhìn một cách tổng thể về lễ hội truyền thống của người Việt trong cả nước nói chung, người Việt ở Quảng Ngãi nói riêng, thì Tết Nguyên đán là lễ hội lớn nhất, quan trọng nhất, phong phú về nội dung lẫn hình thức, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, đạo đức, nhân văn. Theo chu kỳ vận hành của vũ trụ, Tết Nguyên đán thể hiện sự hòa điệu giữa đất trời và con người, là thời điểm chuyển giao từ năm cũ sang năm mới (nguyên có nghĩa là khởi đầu; đán có nghĩa là ban mai). Tết Nguyên đán cũng là dịp để gia đình, họ hàng, làng xóm nghỉ ngơi, sum họp, vui vầy, hóa giải những bất đồng, thêm đoàn kết, gắn bó; là dịp tưởng nhớ và tri ân tổ tiên theo đạo lý "uống nước nhớ nguồn", vốn là một truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam; là dịp thể hiện lòng biết ơn đối với các bậc sinh thành, dưỡng dục...

1.2. TẾT ĐOAN NGỌ

Còn gọi là Tết mùng Năm tháng Năm. Đây là ngày Tết gắn liền với sự tích Khuất Nguyên trầm mình ở sông Mịch La (Trung Quốc), và sự tích này chính thức du nhập vào Việt Nam từ thời nhà Trần (theo Đại Việt sử ký toàn thư). Ở Quảng Ngãi vào ngày Tết Đoan ngọ, nhiều gia đình mua sắm các loại hoa quả để cúng ông bà, tổ tiên vào lúc giữa trưa (giờ Ngọ), đặc biệt là nhiều gia đình còn làm bánh ít lá gai. Tục đi hái các loại lá cây phơi khô làm thuốc, hoặc làm nước uống cho cả năm cũng còn ở nhiều nơi trong tỉnh. Các chùa chiền, dinh miếu, đình làng cũng lo việc cúng tế. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, thực chất Tết Đoan ngọ là lễ khấn cầu cho con người, súc vật, mùa màng tránh được dịch bệnh, bởi chính vào tháng Năm, vào tiết hạ chí, là lúc thời tiết xấu, nắng nóng nên dễ sinh ra dịch bệnh (vì thế mới đi hái thuốc để tích trữ trong nhà).

1.3. TẾT TRUNG NGUYÊN

Còn gọi là Tết Rằm tháng Bảy, là lễ tết mà theo đạo Phật là lễ Vu lan, là ngày xá tội vong nhân, là ngy báo hiếu. Vào rằm tháng Bảy, các gia đình làm các thứ lễ vật cúng gia tiên, cúng ngoài sân, cầu mong cho vong linh người quá cố được siêu thoát. Ở các chùa, tăng ni, phật tử làm lễ lớn ở chùa như chay đàn niệm Phật, phát chẩn, nhiều chùa còn tổ chức đêm diễn văn nghệ với nội dung chính là tri ân công lao của cha mẹ (đặc biệt là mẹ, vì đây là mùa báo hiếu, gắn liền với truyền thuyết Kiền Mục Liên), tổ chức sinh hoạt lửa trại và các trò chơi dân gian...

1.4. TẾT TRUNG THU

Là Tết Rằm tháng Tám, tết dành cho trẻ em. Trẻ em ở khắp nơi trong tỉnh luôn háo hức trông chờ vào đêm Trung thu để rước đèn đi chơi, để múa lân khắp làng xóm, để được nhận quà bánh của người lớn, đặc biệt là bánh Trung thu. Hàng năm, vào dịp này bánh Trung thu được bày bán hàng tháng trời ở chợ thành phố, dọc đường Lê Trung Đình, đường Quang Trung… Nhiều nơi trong tỉnh còn tổ chức văn nghệ cho thiếu nhi, tổ chức cho các cháu ăn uống, vui chơi. Hiện nay, cứ vào trước, trong Tết Trung thu, trong tỉnh có hàng ngàn đội lân từ lớn đến bé nhảy múa khắp các phố phường, làng xóm, nhất là ở thành phố Quảng Ngãi, tạo nên một không khí hết sức náo nhiệt, thu hút hàng vạn người ở trung tâm thành phố và các địa phương khác đến xem và cổ vũ.
Ngoài các lễ Tết trên, còn có Tết Thanh minh, Tết Hạ nguyên... cũng được nhiều gia đình tổ chức. Vào những ngày này, các gia đình thường tổ chức cúng tế gia tiên, cúng ngoài sân, cúng tế ở các dinh miếu, nghĩa tự, đình chùa...

2. CÁC LỄ HỘI TIÊU BIỂU KHÁC

Hiện nay, tại các làng quê người Việt ở Quảng Ngãi còn giữ nhiều loại hình lễ hội cổ truyền, đặc biệt là ở các vùng ven biển. Tiêu biểu có: lễ hội thờ cúng Cá Ông, lễ hội cầu ngư, lễ hội thờ cúng nữ thần, lễ hội đua thuyền, lễ hội đình làng...

2.1. LỄ HỘI CÚNG CÁ ÔNG

Hầu hết các làng xã dọc theo ven biển Quảng Ngãi đều có lăng (hoặc miếu) thờ Cá Ông. Ở những vạn chài có đông đảo cư dân làm nghề đánh cá thì thường mỗi vạn có một lăng Ông. Lăng Ông là nơi thờ Cá Ông, tức cá voi, được ngư dân gọi bằng nhiều danh xưng như Nam Hải Cự tộc Ngọc lân thượng đẳng thần, Nam Hải Đại tướng quân, Đức Ngư Ông, Ông Lộng, Ông Sanh... Trong mỗi lăng Ông còn thờ các thủy thần khác, các vị tiền hiền, hậu hiền, những người chết sông, chết biển...
Hàng năm, ngư dân tổ chức lễ hội tế Cá Ông 2 lần vào mùa xuân và mùa thu, gọi là "xuân thu nhị kỳ". Kỳ xuân vào tháng Giêng hoặc tháng Hai, kỳ thu vào tháng Bảy hoặc tháng Tám âm lịch. Thông thường vào dịp tế thu, ngư dân làm lễ tế lớn hơn kỳ xuân, vì đây là dịp họ đền ơn Đức Ngư Ông đã phù hộ cho họ sau một mùa lênh đênh trên biển, có đông đảo các thành viên trong làng, vạn và các vạn chài lân cận cùng tham gia.
Trình thức một lễ hội cúng Cá Ông thông thường ở ven biển Quảng Ngãi (được miêu tả chủ yếu qua lễ hội lăng vạn Đông Yên, lăng Cù Lao và lăng Thạch Bi) bao gồm các nghi lễ: lễ túc yết, lễ nghinh Ông, chánh lễ, các trò diễn.
Lễ túc yết (hay gọi tắt là lễ yết) là lễ hiến cáo, tiến hành vào chiều tối ngày chánh tế, bao gồm các bước từ sơ hiến, á hiến đến chung hiến. Thường là lễ cúng chay, nhằm cầu siêu tế độ cho những người bị rủi ro chết trên sông biển, cung thỉnh thần Nam Hải và các vị thủy thần, thành hoàng, thổ thần, các vị tiền hiền, hậu hiền, tiền vãng, hậu vãng về dự lễ.
Lễ nghinh Ông thường diễn ra vào khoảng 3 - 4 giờ sáng của ngày chánh tế, là lễ rước thần Nam Hải và các vị thần về dự lễ hội. Đoàn thuyền nghinh Ông thường có 3 chiếc được trang trí cờ hoa rực rỡ, có bày hương án, bài vị, lễ vật... Những người tham gia lễ nghinh Ông có chánh tế, các bồi tế, tư văn, hành nghi, học trò gia lễ, các thầy chùa, ban nhạc lễ. Có nơi còn có đội chèo bả trạo và đội gươm theo hầu (như ở vạn Cù Lao - Mỹ Tân, Bình Chánh, và vạn Đông Yên, Bình Dương, Bình Sơn). Đoàn thuyền nghinh Ông thường ra cách bờ chừng 2 - 3km rồi thực hành các nghi lễ thỉnh Ông và các vị thần. Sau khi thực hành nghi lễ, đoàn thuyền rước vong Ông về chánh điện để làm lễ chánh tế.
Chánh tế là buổi lễ thường diễn ra vào khoảng 5 - 6 giờ sáng. Lễ vật hiến tế trong lễ chánh tế thường phải là tam sanh, trong đó có 1 - 2 con heo sống (đã cạo sạch lông nhưng chưa xẻ thịt) đặt quay đầu về chánh điện. Thành viên ban tế tự giống như các thành viên tham gia lễ nghinh Ông. Lễ chánh tế cũng diễn ra các bước: sơ hiến, á hiến, chung hiến như lễ yết, nhưng lễ chánh tế còn có múa gươm, có hát bả trạo. Đội gươm múa hầu thần theo các bước hiến tế, còn đội bả trạo múa sau khi các bước hiến tế đã kết thúc, vừa có ý nghĩa hầu thần vừa phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí cho nhân dân trong làng, trong vạn (6).
Trước năm 1945, vào dịp tổ chức lễ hội tế Cá Ông, trong làng, vạn còn tổ chức các hình thức vui chơi như đua thuyền, lắc thúng, kéo co, hát bội, hát đối đáp, đua cà kheo, đấu vật…, nhưng ngày nay các trò diễn này đã thiếu vắng, thi thoảng mới có một số trò diễn như đua thuyền, lắc thúng, hát bội...
Ngoài các hình thức phổ biến vào các dịp lễ xuân thu nhị kỳ, còn có các nghi lễ liên quan đến việc cúng tế Cá Ông, tuy không thường xuyên nhưng cũng hết sức thiêng liêng của cư dân vùng sông nước, như lễ tang Cá Ông và lễ Thượng ngọc cốt.
Cá voi chết ngư dân gọi là Ông bị "lụy", hoặc "đi tu". Khi xác cá voi trôi dạt vào bờ biển của làng, vạn nào thì phải lo làm lễ tang cho Ông. Họ rất vui mừng khi được Ông "lụy" vào bờ biển của làng mình, vì cho rằng đó là phúc lớn của làng, nên lễ tang cho Cá Ông được tiến hành hết sức thiêng liêng và trang trọng. Người trông thấy Ông luỵ đầu tiên sẽ làm trưởng nam, chịu tang Ông trong 3 năm, như đối với cha mẹ mình. Sau khi làm lễ tế Ông tại lăng, dân làng làm lễ tế Ông tại bờ biển - nơi Ông lụy. Lễ tang Cá Ông cũng diễn ra các bước như lễ tang người chết. Có nơi cũng có đội bả trạo hát chèo hầu nhằm kể công ơn Cá Ông đã cứu mạng những ngư dân không may gặp nạn trên biển do phong ba, bão tố. Ngoài ban tế tự và nhân dân trong làng, vạn còn có đại diện các vạn chài khác đến tham gia lễ tang và phúng điếu.
Sau 3 năm, kể từ lúc làm lễ tang Cá Ông, ngư dân làm lễ Thượng ngọc cốt. Lễ Thượng ngọc cốt là lễ rước cốt Ông đưa vào trong lăng thờ. Họ rửa sạch từng bộ phận của xương Cá Ông bằng nước, rượu, nước ngũ vị trước khi đưa vào trong điện thờ. Có những nơi có cả nghĩa địa cá voi như ở Thạch Bi, Lệ Thủy...
Hiện nay, nhiều nơi trong tỉnh hàng năm còn tổ chức lễ hội cúng Cá Ông, nhưng tiêu biểu nhất là lễ hội cúng Cá Ông của các vạn chài: Cù Lao - Mỹ Tân, Đông Yên (Bình Sơn), Thạch Bi (Sa Huỳnh, Đức Phổ), lăng Chánh, lăng Thứ, lăng Tân... (Lý Sơn), lăng Cổ Luỹ Nam (Nghĩa Phú, Tư Nghĩa). Nhiều lăng Cá Ông ở Quảng Ngãi hiện còn giữ khá nguyên vẻ đẹp kiến trúc cổ cách đây vài trăm năm trước, như lăng Cồn (Lý Sơn), lăng Đông Yên, lăng Mỹ Huệ, lăng Cù Lao, lăng Thanh Thủy (Bình Sơn), lăng An Chuẩn (Mộ Đức). Lăng Ông lớn nhất là lăng Thạch Bi - Sa Huỳnh (Đức Phổ, được tôn tạo năm 2002). Lăng còn giữ được sắc phong thần (từ Minh Mạng đến Khải Định) là lăng Thanh Thủy (6 đạo), lăng An Chuẩn (4 đạo), lăng Cổ Luỹ Nam (1 đạo) (7)...

2.2. LỄ HỘI CẦU NGƯ

Lễ hội cầu ngư thực chất cũng là lễ hội gắn liền với lễ hội cúng Cá Ông. Cư dân ven biển làm lễ cầu ngư vào dịp đầu năm mới với ý nghĩa cầu mong cho mùa màng bội thu, yên bình trong cả năm lênh đênh trên biển cả. Đây là lễ thức có khi chỉ riêng của cá nhân, gia đình, và có khi là của cả cộng đồng. Có nơi gọi lễ cầu ngư là lễ ra nghề, hay lễ xuống nghề.
Tiêu biểu cho lễ cầu ngư của cư dân ven biển Quảng Ngãi là lễ cầu ngư Sa Huỳnh, mà nay có một tên gọi mới là "Lễ ra quân đánh bắt thủy sản Sa Huỳnh", hoặc có năm gọi là "Lễ ra quân nghề cá". Tên gọi này ít nhiều mang dáng vẻ "hành chính", bởi cốt lõi của nó là lễ cầu ngư, nhưng đã có sự tham gia của chính quyền trong việc thực hành nghi lễ.
Trình thức lễ hội cầu ngư Sa Huỳnh vào ngày mùng 3 Tết Nguyên đán hàng năm bao gồm các lễ thức: tế cáo thần linh khai lạch, lễ ra nghề, và các trò diễn.
Lễ tế cáo là lễ thức mà tất cả các ban tế tự của làng và đại diện các chủ thuyền tế cáo ở lăng Ông, miếu Bà (Thiên Y, Thủy Long), miếu Thổ thần, Nghĩa tự và gia tiên để khai lạch ra khơi. Lễ tế cáo chỉ đơn giản là trầm trà hoa quả và diễn ra trong chiều ngày mùng 2 Tết hoặc sáng sớm ngày mùng 3 Tết.
Vào sáng sớm ngày mùng 3 Tết, tất cả các thuyền trong các vạn, đặc biệt là vạn Thạch Bi, tập trung tại cửa biển, chong đèn kết hoa rực rỡ, bày bàn soạn lễ vật trên thuyền, các loại ngư cụ... Sau khi đại diện chính quyền, hội nghề cá khai mạc và tổng kết nghề đánh bắt hải sản một năm cũng như kế hoạch thực hiện trong năm mới, ông chủ vạn gióng tiếng trống báo hiệu lễ ra nghề bắt đầu. Chiếc thuyền đầu tiên ra khơi là chiếc thuyền được ban vạn bầu chọn (không gặp bất trắc gì trong năm cũ, gia đình hòa thuận, chủ thuyền có uy tín...), và sau đó là hàng trăm chiếc thuyền nối tiếp ra khơi. Ra đến cách bờ chừng vài hải lý, các thuyền lại thực hiện nghi thức tế cáo thần linh, và đánh mẻ lưới làm phép đầu tiên. Sau khi vớt mẻ lưới lên các thuyền quay lại vào bờ.
Khi tất cả các thuyền đã quay lại vào bờ, các trò diễn, như đua thuyền, thi lắc thúng, thi đánh bóng chuyền... mới bắt đầu diễn ra. Có năm trong dịp làm lễ cầu ngư, người Sa Huỳnh còn tổ chức hát bội vài ba ngày. Vài ba năm trở lại đây, trong lễ hội cầu ngư Sa Huỳnh, người dân địa phương còn tổ chức múa hát bả trạo và hát sắc bùa.
Những làng xã thường tổ chức lễ cầu ngư hàng năm và có quy mô lớn là Sa Huỳnh, An Chuẩn, Cổ Lũy, nhưng tiêu biểu nhất là ở Sa Huỳnh. Có nơi không tổ chức lễ cầu ngư riêng mà người ta xem lễ tế Cá Ông vào dịp đầu năm là lễ cầu ngư.

2.3. LỄ HỘI THỜ BÀ/MẪU

Hiện nay, ở Quảng Ngãi còn hàng trăm dinh, miếu thờ Mẫu, thờ nữ thần, như Thiên Y A Na, Ngũ Hành, Thủy Long, Cửu Thiên Huyền nữ, Tứ vị Thánh nương..., ngoài Lý Sơn còn có thờ bà Phạm Tiên Điều (tức bà Roi). Người Quảng Ngãi gọi chung cho tất cả các Mẫu, các nữ thần đều là Bà. Tiêu biểu cho những điểm thờ Bà là dinh thờ Thiên Y A Na ở xóm Trung Yên (An Hải, Lý Sơn), và đặc biệt là ở điện Trường Bà ở Trà Xuân (Trà Bồng).
Lễ hội điện Trường Bà
Điện Trường Bà (còn gọi là Mao Đình Nhứt Ốc, hay Chùa Bà) thờ chánh thần là Thiên Y A Na (8), có phối thờ Đại Càn Quốc gia Nam Hải Tứ vị Thánh nương, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Quan Thánh, và các vị thiên thần, nhiên thần khác. Ngoài ra, căn cứ theo bài văn tế bằng chữ Hán còn lưu giữ, thì điện Trường Bà còn thờ hai vị nhân thần là Trấn Quốc công (Bùi Tá Hán) và Quan Chiếu Vương (Mai Đình Dõng) cùng một vị thần vốn là một con vật, đó là Thần Hổ, với danh xưng là Bạch Hổ sơn quân (có miếu thờ cách điện Trường Bà khoảng 1km).
Hàng năm vào ngày 15 và 16.4 âm lịch, người dân ở thị trấn Trà Bồng, gồm người Việt, người Cor (trước đây còn có người Hoa), cùng tổ chức lễ hội tại điện thờ này. Việc tế tự chủ yếu theo các lễ thức quy định trong "Thọ Mai gia lễ" như các lăng, miếu thờ đã nói ở trước, tức bao gồm lễ yết, chánh tế, và trong các buổi tế này cũng theo các bước từ sơ hiến, á hiến, chung hiến. Tuy nhiên có một điều đặc biệt là, vào thời khắc giao điểm giữa ngày 15 và ngày 16 (nửa đêm), người dân nơi đây bày soạn các lễ vật, gồm bò, heo, và những vật phẩm khác để cúng ngoài sân điện. Các bàn lễ vật này hướng về phía núi, với những lời khấn cầu tỏ lòng tri ân các vị thiên thần, nhiên thần, các âm binh, âm hồn... Lễ tế đó gọi là lễ ngoại đàn, là một lễ thức vốn được quy định trong các hương ước xưa ở các làng xã mà nay nhiều nơi đã mất. Tuy nhiên, lễ ngoại đàn tại điện Trường Bà có quy mô to lớn hơn những nơi khác, mang thêm một sắc thái mới, với việc tri ân những người khai mở đất đai, sông núi trên vùng đất này.
Vào ngày chánh tế, tất cả nhân dân tại Trà Xuân và các làng nóc lân cận, người Việt lẫn người Cor đều đến tham dự lễ tế. Trong buổi chánh tế, còn có múa lân, ban nhạc lễ (ngũ âm, đội trống), múa cà đáo/đáu của người Cor cùng múa hát hầu thần.
Kết thúc lễ chánh tế là bước vào hội. Ban tế tự, gồm chánh tế, bồi tế, các học trò gia lễ cùng đội lân, đội múa cà đáo, ban nhạc ngũ âm, đội trống (đại cổ, tiểu cổ) cùng rước vong Bà (được thể hiện bằng bức ảnh chụp bức tượng Bà trong điện) ra trước cổng điện và đưa ảnh bà đặt lên cao, quay mặt hướng ra trước đền. Lễ thức này gọi là lễ rước vong Bà. Sau lễ rước vong Bà, là tiếp tục múa lân, múa cà đáo, thi đấu bóng chuyền, cờ tướng và buổi tối là diễn các tuồng hát bội. Theo người dân địa phương, trước năm 1975 còn có đông đảo người Hoa ở nhiều nơi trong tỉnh, và người Hoa ở Hội An đến cúng tế và dâng nhiều lễ vật. Dấu ấn của người Hoa còn lưu lại rõ nhất là hiện trong điện còn một ban thờ thờ Quan Công (cùng Quan Bình và Chu Xương/Thương), trong hệ thống kiến trúc, các hoa văn trang trí trong điện... Có lẽ không có lễ hội nào trong tỉnh lại có các dân tộc Kinh - Thượng - Hoa cùng tham gia như lễ hội điện Trường Bà, và tất cả đều xem Bà là Mẫu, là Mẹ chung của các dân tộc, dù có thể Bà nguyên là một nữ thần Chăm (Pô Inư Naga/Thiên Y A Na) mà hiện nay nhiều nơi trong tỉnh nói riêng, trong vùng Nam Trung Bộ nói chung còn thờ phụng và tế tự hàng năm, như ở tháp Bà Pô Naga (thành phố Nha Trang) chẳng hạn. Hiện nay, do điều kiện kinh phí, lễ hội điện Trường Bà chỉ tổ chức với quy mô hai năm một lần.
Lễ hội miếu Bà (Yên Phú)
Tại miếu Bà nằm ở thôn Yên Phú, xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa, hàng năm người ta tổ chức lễ hội tế Bà xuân thu nhị kỳ. Kỳ xuân chỉ trầm trà hoa quả, kỳ thu, vào đúng dịp rằm tháng Bảy, lễ tế Bà được tổ chức quy mô hơn. Theo các bài vị trong miếu thì miếu Bà có chánh thần là Ngũ Hành Thượng giới, các nữ thần phối thờ là Linh Sơn Thánh Mẫu, Tây Vương Mẫu - là những Mẫu được du nhập từ Trung Hoa, theo bước chân những người Hoa vùng Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông... ngụ ở đây từ nhiều thế kỷ trước. Nhưng theo sắc phong còn lưu trong miếu thì đây có thể mới đầu là nơi thờ Đại Càn Quốc gia Nam Hải Tứ vị Thánh nương. Trong miếu còn thờ nhiều vị thần khác, có cả Phật Bà và các nam thần. Bên ngoài miếu thờ âm hồn. Hiện nay người ta đưa vào trong miếu quá nhiều ban thờ, nên việc thờ phụng hết sức lai tạp. Trong miếu còn giữ các hiện vật quý: một chiếc ấn, một sắc phong thần, một chang tóc phụ nữ (như chang tóc được thờ trong miếu Bà Thu Bồn ở Quảng Nam). Vào ngày rằm tháng Bảy hàng năm, người ta tổ chức cúng tế các nữ thần, các vị thần phối thờ và âm hồn. Người dân Phú Thọ (gồm người Việt và trước đây còn có một bộ phận đông đảo người Hoa) làm hàng trăm linh vị, hàng trăm cỗ xôi bánh để cúng tế, đặc biệt là cúng ngoài sân. Sau lễ tế, họ còn làm lễ thả thuyền tống ôn và phóng đăng trên sông Cổ Lũy - Phú Thọ. Hàng ngàn chiếc đèn ngũ sắc và thuyền lễ được thả trôi dọc sông, từ miếu Bà ra đến tận cửa Đại Cổ Lũy, hết sức lung linh, huyền ảo.
Cách tổ chức lễ hội ở miếu Bà cũng giống như lễ tế cầu an, cầu siêu ở một số dinh miếu khác, như ở lăng Cổ Lũy Nam, cách miếu Bà chừng 500m, tức có lễ tế, có thả đèn trên sông và cả làm lễ tống ôn, mặc dầu lăng Cổ Lũy Nam thờ thần Cá Voi. Nói chung, các lễ hội ở vùng Cổ Lũy, Phú Thọ cũng đã pha tạp nhiều, nhưng hàng năm vẫn thu hút hàng ngàn người tham dự.

2.4. LỄ HỘI ĐUA THUYỀN

Vào các dịp lễ tết, nhiều nơi dọc ven sông biển ở Quảng Ngãi thường tổ chức hội đua thuyền. huyện Tư Nghĩa, hội đua thuyền thường diễn ra trên sông Cổ Lũy - Phú Thọ. Ở huyện Bình Sơn, hội đua thuyền thường diễn ra ở vịnh Vũng Tàu, cửa Sa Cần, trên sông Trà Bồng. Ở huyện Sơn Tịnh, hội đua thuyền thường diễn ra trên sông Trà Khúc. Ở huyện Nghĩa Hành, tổ chức đua thuyền trên sông Vệ… Ở huyện đảo Lý Sơn, hội đua thuyền thường được tổ chức ở vùng biển phía tây nam của đảo. Tiêu biểu có các hội đua thuyền truyền thống ở hai làng An Hải, An Vĩnh (Lý Sơn) và Tịnh Long (Sơn Tịnh) vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm.
Lễ hội đua thuyền Lý Sơn
Lễ hội đua thuyền Lý Sơn diễn ra từ ngày mùng 4 đến mùng 8 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Có lẽ đây là lễ hội lớn nhất của cư dân vùng biển ở Quảng Ngãi nói riêng, ở Nam Trung Bộ nói chung, nếu xét ở cả các bình diện: quy mô tổ chức, thời gian tổ chức, tính liên tục (hàng năm, không bị đứt gãy), và thành phần tham gia (có hàng vạn lượt người tham gia trong suốt cả 5 ngày). Lễ hội đua thuyền Lý Sơn không chỉ là một trò diễn vui chơi giải trí, mà còn để tưởng nhớ đến các vị tiền hiền buổi đầu khai khẩn và cầu mong cho quốc thái dân an, người an vật thịnh.
Lý Sơn có tất cả 8 thuyền đua (thuyền dài khoảng 8m, mang tên 4 con vật trong tứ linh (Long, Ly/Lân, Quy, Phụng), được trang trí, chạm trổ hết sức công phu. Mỗi thuyền đua thường có 15 người, đều là nam giới, trong đó có 1 tổng lái, 1 tổng thương, 1 tổng mũi, và 12 tay chèo. Ở An Hải, tất cả thuyền đua đều thuộc của xóm, như xóm Đông có thuyền Rồng, xóm Tây có thuyền Phụng, xóm Trung Yên có thuyền Quy, xóm Trung Hòa có thuyền Lân (còn gọi là Liên). Ở An Vĩnh, tất cả các thuyền đua đều thuộc các lân, như lân An Hòa có thuyền Rồng, lân Tân Thành có thuyền Phụng, lân Vĩnh Lợi có thuyền Quy, lân Vĩnh Hòa có thuyền Lân. Mỗi thuyền đua đều được cất giữ tại các dinh miếu của xóm, của lân, chỉ đến ngày tổ chức hội đua thuyền mới làm lễ tại dinh, miếu để đưa thuyền hạ thủy.
Trước khi tham dự hội đua thuyền, các tộc họ trong lân, xóm đều đến tế cáo thần linh và các bậc tiền hiền tại các dinh, miếu và đình làng. Tất cả ban tế tự, ban nhạc lễ đều ăn mặc theo lễ phục truyền thống.
Lễ hội đua thuyền Lý Sơn có 2 cấp độ: hội đua thuyền của làng, và hội đua thuyền của huyện (2 làng). Hội đua thuyền của làng cho 4 ghe đua của làng trong 4 ngày. Mỗi ngày thuyền đua được đổi vị trí theo kiểu tiệm tiến (ngày thứ 1: Rồng - Phụng - Lân - Quy; ngày thứ 2: Quy - Rồng - Phụng - Lân; ngày thứ 3: Lân - Quy - Rồng - Phụng; ngày thứ 4: Phụng - Lân - Quy - Rồng). Sau 4 ngày đua tính điểm tổng cộng để phân biệt giải. Đường đua gồm 4 vòng 8 dạo (khoảng 2.000m).
Nói về lịch đua thuyền trên đất đảo, người Lý Sơn còn thuộc lòng câu ca:
Mùng Bốn có hội đua ghe
Cho đến mùng Bảy bắt phe dồi bòng.
Câu ca này cho biết, hội đua thuyền ở 2 làng chấm dứt vào ngày mùng 7 tháng Giêng (khoảng chừng 14 giờ chiều), và sau khi chấm dứt đua thuyền là tiếp đến hội dồi bòng.
Hội dồi bòng được tổ chức tại đình làng, mà theo các nhà nghiên cứu vốn là nhằm để cầu mặt trời (biểu tượng là trái bòng = cầu nắng), đề cao sức mạnh. Các tay đua sẽ tập trung tại làng để tham gia hội này. Sau khi làm lễ trong đình, ông cả làng sẽ ném quả bòng ra sân đình. Đội nào ném được trái bòng vào giỏ là đội ấy thắng cuộc, và đội ấy mang trái bòng ấy về tế tại dinh miếu của xóm, của lân. Người Lý Sơn tin rằng, làng xóm nào giành được quả bòng thì năm ấy cả làng, cả xóm sẽ gặp những điều tốt lành. Đây là một trò diễn hết sức sinh động, hào hứng, có sự cổ v của hàng ngàn người trong tiếng trống thúc giục. Rất tiếc, hội dồi bòng hiện không còn được tổ chức thường xuyên như trước năm 1945 nữa.
Sang ngày mùng 8 tháng Giêng, 8 thuyền đua của 2 làng sẽ tập trung trước vùng ven biển giữa 2 làng để tham gia hội đua thuyền toàn huyện. Trước khi tham gia hội đua thuyền toàn huyện (thực ra cũng chỉ có 2 làng), các tay đua và ban tế tự cũng tập trung tại dinh miếu, đình làng để cúng tế. Tham gia tổ chức hội đua thuyền toàn huyện, ngoài các tộc họ, các lân, xóm, còn có chính quyền. Trưởng ban tổ chức cuộc đua thuyền toàn huyện thường là ông Phó Chủ tịch phụ trách văn xã. Đây là giải đua thuyền chính thức được tổ chức sau ngày Lý Sơn được thiết lập thành đơn vị hành chính cấp huyện (1.1.1993), và vẫn duy trì cho đến ngày nay. Hội đua thuyền của huyện chỉ tổ chức trong 1 ngày, bắt đầu khoảng 12 giờ trưa và kết thúc khoảng 15 giờ chiều. Vị trí các thuyền đua cũng sẽ thay đổi kiểu tiệm tiến, và cuối 8 vòng, 16 dạo sẽ cộng điểm chung để chọn ra các giải (9).
Hội đua thuyền ở huyện đảo Lý Sơn không chỉ là một trò diễn để vui chơi, giải trí, biểu dương sức mạnh mà còn mang nặng yếu tố tín ngưỡng hơn các hội đua thuyền ở nhiều nơi khác trên địa bàn Quảng Ngãi.
Hội đua thuyền Tịnh Long
Hội đua thuyền Tịnh Long diễn ra vào hai ngày mùng 5 và mùng 6 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội đua thuyền lớn nhất và được duy trì thường xuyên trên dòng sông Trà Khúc. Tham gia hội đua thuyền Tịnh Long có 4 thôn: An Đạo, An Lộc, Gia Hòa và Tăng Long.
Mỗi thôn/làng có một thuyền đua, dài khoảng 8m, được trang trí theo các con vật trong tứ linh. Cách chạm trổ, trang trí các thuyền đua ở Tịnh Long đơn giản hơn ở Lý Sơn, không có phần đầu và phần đuôi thuyền riêng.
Trước khi đua thuyền, các ban tế tự và các đội thuyền đua cũng làm lễ đưa thuyền hạ thủy. Sau nghi thức này, cuộc đua mới chính thức bắt đầu. Cách thức đua thuyền ở Tịnh Long cũng giống cách thức đua thuyền ở Lý Sơn, như bắt thăm cọc tiêu, chuyển vị trí theo kiểu tiệm tiến trong suốt 2 ngày. Và cuối cùng phân giải bằng cách tính điểm các lần đua.
Mặc dầu không đậm yếu tố tín ngưỡng, không được tổ chức quy mô như Lý Sơn, nhưng lễ hội đua thuyền Tịnh Long cũng thu hút hàng vạn người khắp nơi trong tỉnh về dự hội.
Ngoài các hội đua thuyền truyền thống, do chính dân làng đứng ra tổ chức, một loại hình lễ hội dân gian, còn có các hội đua thuyền do ngành thể dục thể thao phối hợp với ngành văn hóa, hoặc với Đài Phát thanh - Truyền hình tổ chức, như các hội đua thuyền ở sông Cổ Lũy (huyện Tư Nghĩa), cửa Sa Cần (huyện Bình Sơn), hồ Tôn Dung (huyện Ba Tơ), biển Minh Tân (huyện Mộ Đức), có khi cho toàn huyện, có khi cho toàn tỉnh. Đây là các lễ hội do các cơ quan nhà nước đứng ra tổ chức, cũng thu hút khá đông đảo người xem, chỉ thuần túy là một hoạt động thể thao và vui chơi, giải trí, ít có yếu tố tín ngưỡng, và cũng không thường xuyên. Có một vài nơi các tay chèo tham gia hội thi là phụ nữ, như ở Sa Cần.
*
*          *
Nhìn chung, các loại hình lễ hội của người Việt ở Quảng Ngãi khá đa dạng và phong phú, mang nhiều giá trị giáo dục đạo đức, thẩm mỹ, giá trị nhân văn, làm cố kết cộng đồng, đáp ứng ít nhiều nhu cầu vui chơi, giải trí cho đông đảo nhân dân trong tỉnh. Lễ hội của người Việt ở Quảng Ngãi cũng có nhiều nét tương đồng với các loại hình lễ hội của người Việt trong cả nước, nhất là trong các lễ tết, nhưng cũng có nhiều nét riêng, trong quy mô tổ chức, nội dung và hình thức tổ chức, mang đậm sắc thái địa phương, vùng miền. Việc phân bố các loại hình lễ hội cũng không đồng đều giữa các vùng, miền, tập trung nhiều nhất là ở các vùng ven biển, vùng sông nước.

II. LỄ HỘI CỔ TRUYỀN CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ

Cộng đồng các dân tộc thiểu số ở miền núi Quảng Ngãi hiện còn lưu giữ được nhiều loại hình lễ hội hết sức phong phú. Những lễ hội này chủ yếu gắn liền với chu kỳ của vòng đời cây lúa rẫy và lịch thời tiết. Tiêu biểu có các lễ hội: lễ tết năm mới, lễ hội ăn trâu.

1. TẾT NĂM MỚI

Cũng như các dân tộc khác, Tết năm mới là lễ hội lớn đầu tiên trong năm của các dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi, nhằm tạ ơn thần linh, ông bà, tổ tiên đã phù hộ cho cộng đồng làm ăn được mùa, phát đạt, tránh được dịch bệnh, rủi ro, thiên tai. Đây cũng là dịp cả cộng đồng vui chơi thỏa thích sau một năm làm ăn, sinh sống. Về cơ bản, lễ Tết năm mới của các dân tộc Hrê, Cor, Ca Dong giống nhau về mục đích, hình thức và quy mô tổ chức, nhưng Tết của mỗi dân tộc cũng có ít nhiều những nét riêng, và ngay chính lễ Tết của một tộc người mỗi nơi cũng có khác biệt. Những miêu tả dưới đây chỉ mang tính phổ quát.

1.1. TẾT NĂM MỚI CỦA NGƯỜI HRÊ

Tết năm mới của người Hrê có tên gọi là H’tênd, thường được tổ chức vào đầu tháng 2 đến hết tháng 3 Âm lịch. Trước đây người Hrê ăn Tết cả tháng, nhưng nay cũng chỉ dừng lại trong 3 ngày, và mỗi plây tự chọn cho mình 3 ngày ăn Tết riêng, không plây nào giống plây nào, tùy thuộc vào sự lựa chọn của chủ làng (thông qua sự giao tiếp với thần linh bằng quẻ bói giò gà và lễ xin âm dương). Thời điểm ăn Tết của người Hrê cũng là thời điểm lúa đã làm cỏ xong, cây trái đâm chồi nẩy lộc, tiết trời ấm áp.
Để đón Tết, người Hrê chuẩn bị chu đáo nhiều loại lễ vật, gạo, muối, củi, ủ rượu cần, dựng nêu... Ngày Tết thứ nhất được bắt đầu bằng lễ cúng dọn nhà để đuổi tà ma và mừng lộc mới vào lúc trời mờ sáng. Sau lễ cúng dọn nhà, người Hrê còn cúng Kla Hoanh, Chem Prai, Quai Xirô, là các yang (thần, ma) của sông núi, đất đai, tổ tiên. Khi các lễ tế kết thúc, người Hrê làm bánh bằng nếp (như bánh tro, bánh tét, bánh chưng, không có nhân bên trong), nấu nướng để chuẩn bị cho ngày Tết thứ hai.
Ngày Tết thứ hai cũng bắt đầu từ sáng sớm bằng lễ thức cúng trâu (tareo Kapơ). Lễ vật cúng trâu gồm trứng gà, cá kpluh (sống ở suối), thịt heo và bát hương bằng niêu đất. Nghi thức cúng trâu diễn ra trước cửa chuồng trâu trong chừng nửa giờ. Sau lễ cúng trâu, gia đình bắt đầu tổ chức ăn uống, thết đãi khách khứa. Khi đã ngà say người ta bắt đầu hát ca lêu, ca choi, chơi các loại đàn vrook, krâu, múa, chơi chiêng ba... Những trò chơi như phóng lao, chạy vượt núi, kéo co, bắn nỏ, bắn cung... được tổ chức. Những bộ váy áo mới bằng thổ cẩm được trưng diện.
Ngày Tết thứ ba gọi là Ốk rok, là ngày Tết mà mọi người đi chúc Tết lẫn nhau. Chúc ông bà thì "sống lâu, đau ốm không đến", chúc nam nữ thanh niên thì "sớm có chồng khỏe, vợ đẹp", chúc con trẻ thì "mau lớn như măng rừng". Cùng với những lời chúc tụng và rượu thịt là những tiếng đàn vrook, krâu, tiếng chinh ba, những làn điệu ca choi, ca lêu được tiếp nối của ngày Tết thứ hai, đầy ắp buôn làng. Buổi chiều, đại diện gia đình bắt đầu ra ruộng, ra rẫy làm phép, và sau đó lại về vui Tết cùng gia đình chủ làng, cùng các gia đình khác trong plây.
Mặc dầu Tết của người Hrê được xem là kết thúc sau 3 ngày, nhưng một vài nơi không khí Tết vẫn còn diễn ra trong vài ba ngày sau đó.

1.2. TẾT NĂM MỚI CỦA NGƯỜI COR

Tết năm mới của người Cor diễn ra vào khoảng tháng 10 đến tháng 11 Âm lịch, đây là thời điểm sau khi thu hoạch lúa rẫy, cũng được tổ chức trong ba ngày chính. Mỗi nóc tổ chức ăn Tết riêng, không trùng ngày với nóc khác, tùy thuộc vào sự lựa chọn của già làng và thần linh qua quẻ bói giò gà và xin âm dương.
Cũng giống như các dân tộc miền núi Quảng Ngãi khác, để đón Tết mọi thành viên trong gia đình chuẩn bị gạo mới, củi, lá dong, lá đoak, đi săn thêm thú rừng, xuống sông, suối bắt ốc, cua, ủ rượu cần...
Buổi tối trước ngày diễn ra lễ Tết chính, người chủ gia đình sẽ cúng hồn lúa bằng nghi thức lấy những hạt lúa thiêng (lúa pađăm) bỏ vào rổ, đặt gần bếp lửa, rồi khấn vái thần linh. Sau khi khấn vái thần linh, người chủ gia đình sẽ xoa lên đầu, trên tay các thành viên trong gia đình với sự cầu mong một năm mới gia đình khỏe mạnh, luôn có lúa gạo đầy nhà, cả nhà no đủ. Đây là lễ thức cúng hồn lúa, vì ngày lễ Tết năm mới cũng là dịp thu hoạch lúa rẫy.
Vào ngày Tết đầu tiên mọi nóc đều làm lễ cúng máng nước, cúng tổ tiên và các yang (thần) sông, núi, đất đai tại cây nêu dựng trước sân. Sau khi tế lễ xong cả nóc bắt đầu xẻ thịt heo, làm thịt gà, nấu bánh... để ăn Tết. Trong ngày Tết, người Cor làm các loại bánh như bánh ben aniq (bánh nếp có 3 góc, như kiểu bánh ú của người Việt), bánh ben parok (bánh ống), bánh ben tôôp (bánh tóp)... Khi các lễ tế hoàn tất, các gia đình quây quần ở gươl (tức phần chung của nóc nhà dài) để bắt đầu ăn uống. Ngày nay, các nóc nhà dài không còn nên các gia đình tổ chức ăn uống tại nhà riêng. Khi đã ăn uống no say, mọi người hát xà ru, a giới, chơi chiêng, trống, sáo tà lía, amáp, chơi các loại đàn vrook, cà trớt, múa cà đáo... thâu đêm, suốt sáng.
Sáng sớm ngày Tết thứ hai, các nóc nhà tiếp tục tổ chức cúng ông bà, thần sông, thần suối, thần núi, thần trầu, thần quế, thần trâu bò... và cả thần hàng (là vị thần đã phù hộ cho gia đình mua được chiêng, ché, các vật dụng trong nhà...). Sau khi cúng tế xong, mọi người lại bắt đầu ăn uống và tiếp tục múa hát, đánh chiêng... Có nơi còn tổ chức thi tài bắn nỏ, bắn cung, phóng lao, kéo co, đấu chiêng...
Sang ngày thứ ba mọi người thăm viếng lẫn nhau, chúc mừng những điều tốt đẹp, và tiếp tục ăn uống, múa hát. Buổi chiều, mỗi gia đình phân công người lên rẫy để phát rẫy phép, và ăn cơm phép trong ống lồ ô (cơm lam) trên rẫy. Đến chiều, tất cả về nhà và lại ăn uống, chúc tụng, hát múa, túc chinh... cho đến suốt đêm.
Trong ngày Tết, ngoài bà con họ hàng trong làng nóc thăm viếng và chúc tụng lẫn nhau, đại diện các nóc khác cũng đến chúc mừng và chung vui Tết với nóc đang ăn Tết.

1.3. TẾT NĂM MỚI CỦA NGƯỜI CA DONG

Tết năm mới của người Ca Dong, có tên gọi là Ố Krế, cũng tổ chức trong ba ngày chính, vào khoảng từ cuối tháng 10 đến cuối tháng 11 Âm lịch (tương đương tháng 12 dương lịch), tức khoảng thời gian kết thúc một chu kỳ làm lúa rẫy. Mỗi plây cũng tổ chức ăn Tết cho plây mình theo sự lựa chọn của chủ làng qua nghi thức giống như việc chọn ngày Tết của người Hrê, người Cor. Do luân phiên ăn Tết nên Tết của người Ca Dong nói riêng và Tết của người miền núi Quảng Ngãi nói chung kéo dài hàng tháng.
Để đón Tết, mỗi gia đình người Ca Dong đều ủ rượu cần, lo giã gạo, làm bánh, dựng nêu, chuẩn bị củi, heo, gà, săn bắt thú rừng... Ngày tết thứ nhất bắt đầu bằng việc người đàn bà chủ của gia đình lên rẫy lấy lúa pađăm về để giã làm bánh thiêng. Tùy số người trong gia đình mà người chủ trong gia đình làm bấy nhiêu chiếc bánh từ lúa pađăm. Sau khi bánh đã chín, họ làm lễ cúng thần linh (diễn ra tại cây cột thiêng gần bếp chính của ngôi nhà sàn). Mỗi người trong gia đình sẽ được ăn một chiếc bánh thiêng từ lúa pađăm. Sau lễ thức này, mọi thành viên trong gia đình lo chuẩn bị làm bánh nếp, làm heo, gà... Chủ làng, thầy cúng và đại diện các gia đình ra đầu nguồn nước để cúng thần nước, dựng nêu ở đầu nguồn nước chảy vào làng. Kết thúc lễ cúng máng nước mọi người ai về nhà nấy để cúng ông bà, thần đất đai, sông suối... Khi đã xong mọi lễ tế, các thành viên trong gia đình quây quần ăn Tết bên bếp lửa nhà sàn.
Sang ngày thứ hai, những người trong gia đình luân phiên đi chúc Tết và mời khách về nhà mình ăn Tết. Những người được mời đến nhà ăn Tết không phải mang theo lễ vật gì. Họ ăn uống no say và hát các làn điệu dân ca như ca lêu, ra nghế, chơi các bộ chinh năng, chinh hlênh, sáo amó, tàlía, đàn vrook, krâu, kể a moan... Buổi chiều, đại diện các tộc trưởng và chủ gia đình đến nhà chủ làng để chúc Tết, và cùng nhau đến từng nhà sàn để vui Tết với từng hộ gia đình trong plây. Các plây đã hoặc chưa tổ chức ăn Tết cũng đến chúc tụng và vui Tết với plây đang ăn Tết.
Buổi sáng ngày Tết thứ ba mọi người tiếp tục thăm viếng, ăn uống, cùng nhau hát múa, đánh chiêng... Khi mặt trời ngả về chiều, cũng như người Cor, người Hrê, đại diện các thành viên trong gia đình cùng chủ làng đi phát rẫy phép, và ăn cơm phép bằng ống cơm lam trên rẫy. Sau buổi phát rẫy phép, mọi người về nhà chủ làng ăn chung một bữa cơm cộng cảm. Bữa ăn này, ngoài những thứ thức ăn, thức uống mà gia đình chủ làng có, mọi thành viên trong làng có nghĩa vụ đóng góp thêm. Trong cuộc vui chung này, mọi hoạt động diễn xướng dân gian tha hồ thể hiện, như hát các làn điệu dân ca, chơi các loại nhạc cụ, kể các bài a moan... Vào dịp Tết, một số plây của người Ca Dong cũng tổ chức các cuộc thi tài bắn nỏ, kéo co, phóng lao, chạy vượt núi...
*
*          *
Nhìn chung, lễ Tết năm mới của các dân tộc ở miền núi Quảng Ngãi có nhiều điểm tương đồng, như trong công việc chuẩn bị Tết, ý nghĩa của ngày Tết, những thứ thức ăn đồ uống trong dịp Tết, cách tổ chức ăn Tết... Sự khác biệt giữa Tết của dân tộc này và dân tộc khác ở miền núi Quảng Ngãi thể hiện trong thời gian diễn ra lễ Tết, một vài lễ thức và các hình thức diễn xướng dân gian. Ngay trong từng plây, từng nóc cũng đã có ít nhiều khác biệt. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa Tết năm mới của 3 tộc người ở miền núi Quảng Ngãi là không nhiều. Giá trị lớn nhất của lễ Tết năm mới của các dân tộc miền núi là ở chỗ tạo nên sự cố kết cộng đồng, trao truyền những giá trị văn hóa tộc người.
Như đã nói ở trước, những miêu tả ở trên chỉ mang tính phổ quát. Ngày nay, một plây, nóc của người Hrê, Cor, Ca Dong cũng đã ăn Tết vào dịp Tết Nguyên đán, đặc biệt ở những plây, nóc sống đan xen với người Việt. Những hoạt động trong dịp Tết lẫn các thứ thức ăn, đồ uống của các plây, nóc này trong ngày Tết cũng giống như của người Việt. Vì thế việc gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của tộc người ở những plây, nóc ở miền núi Quảng Ngãi, nhất là ở những vùng đan xen với người Việt đang là vấn đề đặt ra cho nhiều ngành, nhiều cấp.

2. LỄ HỘI ĂN TRÂU

Cộng đồng các dân tộc ở miền núi Quảng Ngãi có các dạng thức ăn trâu: 1) Ăn trâu để cúng thần nhằm cầu mong thần linh cho tai qua, nạn khỏi, hoặc đau ốm (nếu gia đình đang gặp phải những điều đó); 2) Ăn trâu để chia của cho người chết; 3) Ăn trâu để tạ ơn thần linh phù hộ cho gia đình, làng xóm yên bình, được mùa, no đủ... Trong các dạng thức ăn trâu này, thì hai dạng thức trước chỉ mang yếu tố tín ngưỡng, không có (hoặc ít có) hành động hội, còn dạng thức thứ ba mới mang hành động hội. Trong dạng thức thứ ba cũng có hai loại khác nhau: lễ hội ăn trâu của làng và lễ hội ăn trâu của gia đình. Trong hai loại ăn trâu này thì lễ ăn trâu của gia đình phổ biến hơn. Tuy nhiên, dù của làng hay của gia đình thì trình thức của các lễ hội ăn trâu cơ bản là giống nhau. Dưới đây là những miêu tả khái quát về lễ hội ăn trâu gia đình của từng dân tộc.

2.1. LỄ HỘI ĂN TRÂU CỦA NGƯỜI HRÊ

Lễ hội ăn trâu của người Hrê có tên gọi là ka kapơ (kapô), thường được tổ chức vào tháng 3 - 4 Âm lịch, khi lúa rẫy lẫn lúa nước đã thu họach xong. Trong khoảng thời gian này, tùy thuộc vào điều kiện của gia đình và quẻ bói của thầy cúng mà mỗi gia đình tự chọn ngày tổ chức lễ ăn trâu riêng của gia đình mình.
Lễ ăn trâu của gia đình chủ yếu được tổ chức tại không gian quanh ngôi nhà sàn của gia đình (khác với lễ ăn trâu của plây được tổ chức tại một địa điểm thiêng của plây, thường là nơi đầu đường vào rừng, vào rẫy).
Mục đích của lễ hội ăn trâu của người Hrê là nhằm tạ ơn thần linh, thực hiện lời nguyền với thần linh về một việc gì đã được toại nguyện, và đồng thời cũng để chiêu đãi họ hàng, chứng tỏ cho cộng đồng biết là gia đình đã khá giả, no đủ.
Để tổ chức lễ ăn trâu, gia đình phải chuẩn bị mọi thứ, từ gạo, củi, nuôi heo, gà, nuôi trâu, hoặc chuẩn bị tiền bạc để mua trâu, bởi con trâu hiến sinh phải là con trâu khỏe mạnh, không có tì vết nào trên cơ thể. Lễ vật hiến sinh chính gồm 1 con trâu, 7 con gà, 1 - 2 con heo lớn.
Trình tự lễ hội ăn trâu của người Hrê bao gồm các phần chính: thời gian bước vào hội, thời gian hội và thời gian kết của hội. Thời gian bước vào hội diễn ra khoảng 5 - 6 ngày. Đây là khoảng thời gian mà mọi thành viên trong gia đình cũng như họ hàng làng xóm, chủ làng và cả thầy cúng đến giúp để chuẩn bị rượu cần (khoảng từ 15 - 20 ché), chuẩn bị mọi thứ tre, mây để làm cây nêu, đào lỗ chôn cây nêu lớn lẫn một vài cây nêu nhỏ, làm một vài đàn cúng (ở trước và sau nhà, ở đầu nguồn nước uống, ở ngã ba đường...).
Thời gian chính hội chỉ diễn ra trong một ngày. Bắt đầu từ mờ sáng, thầy cúng, chủ gia đình làm các lễ thức: cúng máng nước chảy vào làng (dùng để uống); cúng ở đàn cúng trước sân để gọi hồn ông bà, hồn lúa, hồn bắp, hồn trâu, hồn heo, hồn gà...về dự lễ ăn trâu; cúng thần Ma hao (thần Giận dữ); cúng ngã ba đường để gọi các ma chết sông suối, đường sá... Sau khi cúng đầy đủ các yang (thần) ở các địa điểm nói trên, thầy cúng và các thành viên trong gia đình mặc các bộ lễ phục truyền thống (chủ yếu là bằng thổ cẩm của người Hrê, ngoài ra còn có một vài bộ y phục được du nhập từ miền xuôi như áo dài, áo bà ba...), đeo các loại vòng cườm, lục lạc để làm lễ cúng cây nêu. Cây nêu (loang găng) của người Hrê thường rất đơn giản: chỉ là một cây tre cao chừng 6 - 7m, trảy sạch gai, mắt, tạo thêm một số hoa văn viền chung quanh, chừa phần ngọn lại (giống như cây nêu của người Việt). Phần đế của cây nêu có 4 khúc cây tre chôn theo dạng hình thang để đỡ gốc nêu, có buộc mây chắc chắn. Sau khi cúng thần nêu xong, người ta dắt trâu cột vào gốc nêu. Khi trâu đã bị buộc chặt, thầy cúng và các thành viên trong gia đình làm lễ cúng bên con trâu, khấn mời các vị thần: thần Voăk Tanêu, Dăk Tanêu (ông bà Giữ của), thần Voăk Plem, Dăk Plem (ông Thần hiền, bà Thần hiền), thần Vudăk (thần Trời), thần Cankiếc (thần Đất)... về ăn trâu, và phù hộ cho sức khỏe của cả gia đình (nếu là lễ ăn trâu của plây thì cho cả plây). Thầy cúng cùng những thành viên trong gia đình còn hát khóc con trâu, nói lên công lao của con trâu trong việc cày bừa, trong việc hy sinh để hiến tế thần linh. Trước khi đâm trâu, bà chủ hoặc ông chủ gia đình sẽ cho trâu ăn những ngọn cỏ cuối cùng và uống những ngụm nước cuối cùng.
Để biết các vị thần đã về dự lễ đông đủ và đồng ý cho đâm trâu chưa, thầy cúng xin quẻ âm dương. Nếu mọi quẻ xin âm dương đã tốt đẹp thì nghi lễ đâm trâu được chính thức bắt đầu. Đây chính là "thời điểm mạnh" (chữ dùng của Giáo sư Đinh Gia Khánh) của lễ hội ăn trâu. Đầu tiên người chủ nhà sẽ cầm ngọn giáo đâm phép vào con trâu. Khi nghi lễ đâm phép đã xong, các thanh niên khỏe mạnh trong làng tiếp tục cầm giáo mác đâm con trâu cho đến lúc con trâu ngã xuống. Có nơi người ta chỉ chọn một thanh niên thông minh, khỏe mạnh để đâm trâu. Đó là người thanh niên sau này sẽ thừa kế công việc của chủ làng.
 Theo quan niệm phổ biến của người Hrê, khi trâu ngã xuống, nếu đầu quay về phía mặt trời mọc, bụng và mặt quay vào nhà thì tốt, còn ngươc lại là không tốt, nếu quay hướng khác, không thuộc hai hướng này, thì không tốt không xấu. Vào lúc con trâu vừa ngã xuống, thì trong nhà vang lên những hồi chiêng mừng hồn trâu đã về với thần linh trâu, và cũng là để báo cho làng xóm biết là lễ đâm trâu đã xong.
Trước khi xẻ thịt trâu người ta cắt mỗi bộ phận của cơ thể con trâu một miếng rất nhỏ (miệng, mắt, mũi, chân...) bỏ vào rổ đem cúng. Sau khi cắt xong mỗi bộ phận một miếng nhỏ, người ta bắt đầu xẻ trâu. Đầu trâu sẽ được giữ lại đặt trên đàn cúng dưới gốc cây nêu.
Cùng lúc với việc xẻ thịt trâu, thầy cúng và các thành viên trong gia đình còn thực hiện một số nghi lễ khác, như cúng trong nhà, cúng ở nguồn nước, đặc biệt, với người Hrê còn có lễ thức gọi hồn và bắt hồn của những thành viên trong gia đình ở ngã ba đường về (vì không muốn để hồn của các thành viên trong gia đình đi "lang thang" đâu đó). Lúc thầy cúng gọi hồn thì có ba người gõ chén bát. "Bắt" được hồn người nào thì thầy cúng nắm lấy đầu người đó để hồn nhập vào. Khi tất cả hồn của các thành viên trong gia đình "về đầy đủ" thì ba người lo việc gõ chén bát thôi không gõ nữa.
Dưới đây là một bài cúng trâu của người Hrê:
           Ớ! Ông Tanêu!
           Ơ! Bà Tanêu!
           Ở trong cây trong cỏ
           Ở trong hang trong đá
           Ở trong lá trong lùm
           Đã coi, đã thấy
           Đã vớt, đã bao
           Biết đẩy, biết xô
           Biết trốn, biết giấu
           Biết khiến, biết xui
           Biết gây rủi ro
           Biết cho đau ốm
           Đau ốm không nói
           Đói khát bà lo
           Rủi ro bà chịu
           Ớ! Ông Tanêu.
          Ớ! Bà Tanêu
            Ơ! Lính lớn.
            Ơ! Lính nhỏ
            Cầm vải cầm vóc
            Cầm áo, cầm quần
            Cầm khăn, cầm túi
            Tới đây cho đông
            Cho đủ cho mau
            Tới ăn thịt trâu
            Dọn nơi bếp ông
            Dọn mâm bếp bà
            Dọn trên chiếu hoa
            Mời đủ mẹ cha
            Anh em chú bác
            Con cháu bạn bè
            Huyết chín huyết sống
            Tim gan, cổ đùi
            Mắt mũi, đầu vai
            Dọn đủ dọn đầy...
(bản dịch của nhà thơ Nga Ri Vê - dân tộc Hrê)
Thịt trâu được chế biến thành các món ăn. Có hàng lớp nồi bảy, nồi ba bằng đồng dùng để nấu các thứ thức ăn từ thịt trâu, thịt heo đặt dọc theo phía trước nhà sàn.
Khi thịt trâu, thịt heo đã chín, người ta lấy những bộ phận trong lòng trâu, lòng heo, mỗi thứ một ít, đặt vào hàng trăm lá cây (mỗi vị thần là một lá) trên các lớp của đàn cúng dưới gốc nêu. Thầy cúng cùng các thành viên trong gia đình gọi mời thần linh, ông bà về ăn trâu.
Sau nghi thức này mọi người được ăn thịt trâu, thịt heo, thịt gà. Thầy cúng và những người trong gia đình sẽ ăn trước những món ăn thiêng từ các bộ phận trong lòng các con vật hiến tế; khách khứa, họ hàng sẽ tiếp tục ăn sau các phần còn lại.
Khi đã ăn uống no say, người ta bắt đầu hát ca lêu, ca choi, chơi chiêng ba, và các nhạc cụ khác, kể moan... thâu đêm suốt sáng.
Vào ngày hôm sau, người ta bắt đầu làm lễ ăn đầu trâu. Trước khi lấy đầu trâu đặt dưới gốc cây nêu để nấu nướng, họ cũng làm lễ bên gốc cây nêu. Sau nghi lễ cúng đầu trâu, những hồi chiêng ba trong nhà lại gióng lên báo hiệu là lễ cúng đầu trâu đã xong. Đầu trâu sẽ được đem xẻ thịt chế biến thành các món luộc hoặc nướng. Ăn xong đầu trâu, mọi người lại hát ca lêu, ca choi, múa, đánh chiêng... suốt ngày suốt đêm.
Đến ngày hôm sau nữa (ngày thứ 3), mọi người ra ruộng, lên rẫy làm cỏ ruộng hoặc phát rẫy phép. Làm xong nghi thức này tất cả trở về nhà. Mọi thành viên trong gia đình sẽ không ra khỏi nhà trong suốt 3 ngày, và cũng không ai được đến nhà họ trong suốt 3 ngày đó. Nếu là lễ ăn trâu của làng thì làng cũng cấm kỵ trong 3 ngày sau lễ ăn trâu, không ai được ra khỏi làng và cũng không ai được vào làng. Người nào vi phạm sẽ bị phạt vạ.
Nói chung, lễ hội ăn trâu của người Hrê nặng phần lễ, nhưng khi thực hiện xong nghi thức lễ, hoặc trong lúc thc hiện lễ, thì phần hội được tích hợp vào, tạo thành một chỉnh thể lễ hội ăn trâu. Dầu là lễ hội ăn trâu của gia đình, nhưng nó không chỉ thu hút cả làng tham gia mà còn thu hút các làng khác đến phụ giúp và cùng ăn uống, vui chơi. Vì thế, lễ hội ăn trâu chính là lễ hội lớn nhất không chỉ của người Hrê, mà còn của các dân tộc ở miền núi Quảng Ngãi, như lễ hội ăn trâu của người Cor, người Ca Dong.

2.2. LỄ HỘI ĂN TRÂU CỦA NGƯỜI COR

Lễ hội ăn trâu của người Cor có tên gọi là xá kapiêu (xá = ăn; kapiêu = trâu), thường diễn ra vào tháng 3 - 4 Âm lịch. Cũng như người Hrê, thời gian chính thức diễn ra lễ ăn trâu, ngoài sự chuẩn bị của gia đình còn tùy thuộc vào quẻ bói của thầy cúng.
Khảo sát lễ hội ăn trâu của người Cor có thể thấy, về mục đích, ý nghĩa, các loại lễ vật, cách chọn lựa con trâu hiến tế..., thì lễ hội ăn trâu của người Cor tương tự như lễ hội ăn trâu của người Hrê. Riêng trong trình tự lễ hội, thì lễ hội ăn trâu của người Cor có nhiều khác biệt so với lễ hội ăn trâu của người Hrê. Nếu như người Hrê chỉ cần thời gian khoảng một hai ngày là có thể làm và dựng xong cây nêu thì người Cor phải mất hàng tháng trời để làm cây nêu và các gu vla, gu tum với hơn vài trăm công làm. Cây nêu dùng trong lễ ăn trâu của người Cor không phải bằng tre mà bằng gỗ, cao đến 14 - 15m, có nhiều hoa văn họa tiết tinh tế (10).
Thời gian chính hội của lễ hội ăn trâu của người Cor thường là 3 ngày (người Hrê thường chỉ có một ngày chính). Vào buổi chiều ngày thứ nhất, người ta làm lễ cúng thần Ma Huýt - thần cai quản nương rẫy và giữ hạt giống bằng một con heo lớn và một ché rượu to, bên hố cây nêu mới đào. Trong lúc thầy cúng khấn mời thần linh thì một người ăn mặc rách rưới đóng giả tà ma chạy quanh làng xóm. Toàn bộ những người tham gia dự lễ chạy đuổi theo với những tiếng hò la vang dậy. Khi "tà ma" đã bị "bắt" và "tà ma" đã hứa không quấy nhiễu dân làng, không phá hoại mùa màng và súc vật nữa, thì buổi lễ đuổi tà ma kết thúc. Buổi tối, mọi người trong làng quây quần bên đống củi cháy, đánh chiêng, múa cà đáo, hát xà ru, a giới... và uống rượu.
Bước vào ngày thứ hai, ngay từ sáng sớm mọi người bắt đầu làm lễ dựng nêu. Tham gia lễ dựng nêu có thầy cúng, những già làng, cùng đông đảo phụ nữ, thanh niên, đội chiêng và đội múa cà đáo. Sau khi thầy cúng làm lễ xin dựng nêu xong, mọi người bắt đầu dựng cây nêu. Lúc cây nêu được dựng xong thì thầy cúng và những thành viên trong gia đình lại tiếp tục thực hiện nghi lễ cúng thần cây nêu và nghi lễ vào trâu. Trong lúc thực hiện nghi lễ vào trâu, từng hồi chiêng mừng trâu và cũng là để báo cho dân làng biết trâu đã buộc vào gốc nêu để họ đến tham dự hội. Các thiếu nữ Cor ăn mặc lễ phục truyền thống, áo trắng, váy xanh, chít khăn đỏ, đầu cài tua đỏ, cổ, tay, chân đeo vòng cườm, thắt lưng đeo lục lạc, múa dịu dàng quanh con trâu và cây nêu. Các chàng trai mang khố lễ, khoác khăn choàng hòa tấu chiêng, trống. Các cô gái vừa múa, vừa lấy ống tre đựng nước thiêng ở suối hắt lên mình trâu và cây cột lễ làm phép. Sau khi nghi thức làm phép này thực hiện xong, các thành viên trong gia đình và đội múa cà đáo bắt đầu mời rượu thầy cúng, các già làng và toàn bộ những người tham dự hội. Mọi người bắt đầu múa chiêng, múa cà đáo, hát... vòng quanh con trâu và cây nêu. Cứ thế họ vừa hát xà ru, a giới, ca lu..., vừa múa, vừa uống rượu cùng con trâu và cây cột lễ đến tận nửa đêm. Từ sau nửa đêm, con trai con gái trong làng tản đi khắp nơi trò chuyện, tìm hiểu nhau, nhiều mối tình nảy nở sau đêm dự hội này.
Vào ngày thứ ba, lúc trời còn mờ sáng, thầy cúng và các thành viên trong gia đình mặc các bộ y phục truyền thống của người Cor tiến hành nghi lễ cúng trong nhà để mời gọi các thần linh và tổ tiên về chứng kiến lễ ăn trâu của gia đình. Đoàn người đi từ trong nhà ra sân rồi vòng quanh con trâu và cây nêu, xong lại vòng vào trong nhà, nơi có treo gu vla, gu tum. Cứ thế đến 9 lần. Cùng đi vòng với tốp người là đội chiêng trống. Khi đã xong lần thứ 9, họ bắt đầu làm lễ bên con trâu. Người chủ gia đình cho trâu ăn những ngọn cỏ đoak cuối cùng, nói với trâu những lời từ biệt và những điều ước vọng của mình về sức khỏe, hạnh phúc, để khi về với thế giới bên kia, linh hồn con trâu có thể "truyền đạt" lại với các đấng thần linh. Vì thế, trong lễ hiến sinh, con trâu vừa là vật hiến sinh, vừa là "sứ giả" của con người. Nó là chiếc cầu nối giữa con người với thánh thần. Khi thầy cúng lắc những vòng lục lạc mời gọi thần linh chứng kiến thì người đàn ông chủ gia đình bắt đầu đâm phép con trâu. Nhát đâm phép vừa xong lập tức các mũi giáo, mác của các chàng trai đâm mạnh vào bụng trâu, vai trâu, cổ trâu... cho đến khi trâu ngã xuống. Nếu trâu ngã xuống mà đầu quay về phía ngôi nhà thì đấy là điềm tốt lành cho gia đình.
Sau khi đâm trâu xong, cũng như người Hrê, mọi người bắt đầu cắt lấy những bộ phận của trâu, mỗi thứ một ít, để vào rổ cúng và thầy cúng cùng các thành viên trong gia đình bắt đầu tiếp tục thực hiện các nghi lễ cúng máng nước, cúng trong nhà, cúng ngã ba đường... bằng các con vật hiến sinh khác là heo, gà.
Trong lúc thầy cúng và các thành viên trong gia đình thực hiện các nghi lễ cúng thần, những người khác bắt đầu xẻ thịt trâu. Đầu trâu cũng được để dành trên đàn cúng. Các phần còn lại được đem nấu nướng. Cách tổ chức nấu nướng, các món ăn được chế biến từ thịt heo, thịt trâu, cách chiêu đãi họ hàng, làng xóm, cách ăn uống... của người Cor cũng giống như của người Hrê. Món ăn được nấu từ bộ lòng con trâu như gan, tim, thận... và cả huyết luôn là món cúng thần, và chỉ có người trong gia đình mới được ăn các món ăn này.
Hàng vài chục mâm thịt trâu, thịt heo cùng cơm lúa rẫy, rượu cần, rượu đế, bánh sẽ được dùng chiêu đãi họ hàng, khách khứa. Khi đã ăn uống no say, mọi người lại bắt đầu chơi chiêng, trống, các loại nhạc cụ truyền thống, múa hát, kể chuyện... Buổi ăn trâu thường bắt đầu khoảng giữa trưa, và kết thúc vào tận nửa đêm, và cùng với nó là những sinh hoạt văn nghệ dân gian.
Sang ngày thứ tư là lễ ăn đầu trâu. Mọi nghi lễ và sinh hoạt văn nghệ tương tự như ngày lễ ăn đầu trâu của người Hrê, nhưng số người tham gia ít hơn những ngày chính lễ, vì chỉ có bà con trong dòng họ và các thành viên trong gia đình tham dự.
Ngày hôm sau, gia đình và đại diện các gia đình tham gia ăn trâu đi phát rẫy phép. Và người Cor cũng kiêng cữ trong suốt 3 ngày sau khi lễ ăn trâu kết thúc.

2.3. LỄ HỘI ĂN TRÂU CỦA NGƯỜI CA DONG

Cũng giống như người Hrê, tên gọi lễ hội ăn trâu của người Ca Dongká kapơ (kapô). Lễ ăn trâu của người Ca Dong thường được tổ chức vào tháng 3 đến tháng 5 Âm lịch, tức vào lúc thời gian bắt đầu vào mùa rẫy mới, và cũng là lúc trái riêng klung trong rừng đã chín (tựa như trái phượng, nhưng ruột có màu trắng ngà phơi khô giống như bông), là vật liệu không thể không có để làm cây nêu.
Mục đích, ý nghĩa, các loại lễ vật, trình tự... của một lễ hội ăn trâu của người Ca Dong cũng tương tự như lễ hội ăn trâu của người Hrê, người Cor. Tuy nhiên, thời gian chuẩn bị của người Ca Dong không dài như người Cor, và cũng không ngắn như của người Hrê. Sở dĩ như vậy là vì, so với người Cor, để làm cây nêu, người Cor phải mất hàng tháng trời với khoảng 200 công; so với người Hrê, để làm cây nêu, người Hrê chỉ cần làm trong một ngày với chừng 3 - 4 công; còn với người Ca Dong, để làm cây nêu, người Ca Dong mất khoảng mười ngày với chừng 40 - 50 công. Cây nêu của người Ca Dong tuy không nhiều hoa văn họa tiết như cây nêu của người Cor, nhưng lại cao hơn, khoảng 20 - 25m, nhiều tầng (4 tầng), trên thân nêu lại có thêm nhiều dải hoa riêng klung, vỏ các loại cây rừng (11). Một điểm khác biệt nữa trong lễ ăn trâu của người Ca Dong so với lễ ăn trâu của người Cor, người Hrê là, nếu như lễ ăn trâu của người Cor, người Hrê, ngoài sự đóng góp công sức còn có sự đóng góp tiền của, rượu, gạo, heo gà của cộng đồng, thì trong lễ ăn trâu của người Ca Dong, cộng đồng chỉ cần đóng góp công sức mà không cần đóng góp tiền của, lễ vật, bởi mọi tiền của, lễ vật đều do chủ gia đình làm lễ lo liệu.
Thời gian diễn ra lễ ăn trâu của người Ca Dong là 11 ngày, trong đó chính lễ diễn ra trong 2 ngày.
Sáu ngày đầu là chuẩn bị rượu cần, hoàn thiện cây nêu, giã gạo, chặt nứa, đi mời bà con thân thuộc, làng bản... Cuối ngày thứ sáu bắt đầu làm lễ cúng trong nhà.
Ngày chính lễ mở vào ngày thứ bảy. Buổi sáng, thầy cúng và những người trong gia đình làm lễ cúng nguồn nước, cúng đầu ngõ, cúng ngã ba đường... Buổi trưa, làm lễ khai rượu cần. Buổi chiều, sau khi làm lễ gari (uống rượu phép, khai chiêng hnăng - chiêng dùng trong lễ ăn trâu), là lễ dựng cây nêu. Các nghi lễ dựng nêu tương tự như lễ dựng nêu của người Cor và người Hrê. Khi cây nêu đã dựng xong, người Ca Dong làm lễ cúng cây nêu. Trong lễ cúng cây nêu, người Ca Dong còn thực hiện nghi lễ chui vào vòng nài trâu (cầu sức khỏe). Khi thầy cúng khấn vái các vị thần cầu mong sức khỏe cho gia đình thì các thành viên trong gia đình, từ già đến trẻ, ăn mặc các loại y phục truyền thống, lần lượt chui qua vòng nài trâu. Sau lễ thức này người ta bắt đầu làm nghi thức vào trâu. Con trâu sẽ được ăn những ngọn cỏ cuối cùng trong chuồng trước khi dắt ra buộc vào cây nêu. Khi trâu đã buộc vào gốc nêu, những hồi chiêng hnăng báo hiệu là lễ vào trâu đã xong, mời mọi người tham gia hội ca cheo. Ca cheo là nghi thức hát múa, đánh chiêng hnăng, chiêng hlênh quanh con trâu và cây nêu. Hội ca cheo bắt đầu khi thầy cúng, các thành viên trong gia đình cùng những người đánh chiêng đi vòng quanh cây nêu 7 vòng theo chiều ngược kim đồng hồ. Tất cả mọi người trong làng đều có quyền tham gia hội ca cheo sau đó. Họ vừa uống rượu, vừa chơi chiêng và múa hát quanh cây nêu, đặc biệt là hát những bài ra nghế kể công lao con trâu trong việc hy sinh để hiến tế thần linh. Đến giữa đêm, thanh niên nam nữ bắt đầu tản đi các nơi tâm sự.
Vào mờ sáng ngày thứ tám, thầy cúng thực hiện nghi lễ của lễ panai (xin keo bằng những hạt gạo), xin thần linh cho đâm trâu. Thầy cúng và những người trong gia đình đi vòng quanh con trâu, rồi vòng vào bếp lửa 7 lần. Kết thúc lễ này, thầy cúng và người chủ gia đình làm lễ cúng con trâu.
Trong lễ đâm trâu của người Ca Dong còn có một thầy cúng nhỏ. Thầy cúng nhỏ là một em bé trai bất kỳ nào trong làng, được lựa chọn bằng chính quẻ bói giò gà của thầy cúng già. Thầy cúng nhỏ sẽ là người sau này "kế nghiệp" thầy cúng già. Thầy cúng nhỏ chỉ tham gia chứng kiến lễ cúng nhưng cũng được hưởng các quyền lợi như thầy cúng già, như được uống rượu phép đầu tiên, được chia phần thịt trâu mang về...
Khi người chủ gia đình cho con trâu ăn những cọng cỏ cuối cùng, uống những giọt nước suối cuối cùng, cắt vòng dây ước hẹn của gia đình với thần linh về lời hứa tổ chức lễ hiến sinh, cắt dây mây nối giữa con trâu với cột nhà và đâm phép vào con trâu, hàng chục mũi giáo mác của các thanh niên trong làng tiếp tục đâm con trâu cho đến khi nó ngã xuống. Cũng như người Cor, theo quan niệm của người Ca Dong, nếu con trâu quay đầu về phía ngôi nhà của gia đình đứng ra tổ chức lễ ăn trâu thì đó là điềm lành.
Sau khi đâm trâu xong, gia đình làm heo lớn để cúng trong nhà, làm gà cúng ngoài ngõ. Thịt trâu, thịt heo sẽ được chế biến thành thức ăn. Người Ca Dong cũng lấy mỗi bộ phận của con trâu, con heo, con gà để cúng thần, cầu mong cho sự tái sinh. Các cung đoạn cúng tế, chiêu đãi họ hàng... tiếp theo trong lễ hội ăn trâu của người Ca Dong cũng giống như của người Cor và người Hrê. Và, suốt ngày thứ tám, tất cả mọi người ăn uống, múa hát, đánh chiêng, chơi các nhạc cụ truyền thống, kể a moan...
Sang ngày thứ chín, gia đình bắt đầu làm lễ ca cheo gâu kapơ (cúng, múa hát, đánh chiêng quanh đầu trâu), và sau đó nấu nướng đầu trâu để ăn.
Vào ngày thứ mười, làm lễ tiễn thầy cúng, những người tham gia ăn trâu đi phát rẫy phép cho gia đình tổ chức lễ ăn trâu.
Ngày thứ mười một, tất cả các thành viên trong gia đình nghỉ ở nhà để ăn chân trâu, cấm kỵ mọi người ra khỏi nhà cũng như không ai được vào nhà.
Ngày thứ mười hai, tất cả mọi hoạt động sản xuất, sinh hoạt trở lại bình thường.
*
*          *
Như đã nói ở trước, xét trên các phương diện, từ mục đích, ý nghĩa, đến các trình thức, thì trên đại thể, lễ hội ăn trâu của người Hrê, Cor, Ca Dong giống nhau, và cũng giống với lễ ăn trâu của các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên. Sự khác biệt giữa lễ hội ăn trâu của dân tộc này với dân tộc khác, ở vùng này với vùng khác, là ở các chi tiết, như thời gian và diễn trình lễ hội, một vài lễ thức, trong việc trang trí các cây nêu, trong các loại hình diễn xướng...
Nhìn tổng quát, có thể thấy lễ hội ăn trâu của các dân tộc miền núi Quảng Ngãi là một hình thức sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng nặng tính nghi lễ, nhiều yếu tố mê tín, nhưng lại chứa đựng những giá trị nhân văn, giá trị giáo dục, giá trị thẩm mỹ. Chính lễ hội ăn trâu là nơi trao truyền những giá trị văn hóa văn nghệ truyền thống của tộc người, tạo sự cố kết cộng đồng, cân bằng đời sống tình cảm, đời sống tâm linh. Tuy nhiên, lễ hội ăn trâu tốn kém khá nhiều tiền bạc, thời gian, công sức, vấn đề vệ sinh thực phẩm… là những nhược điểm cần nghiên cứu, khắc phục.



(1)  Khái niệm "lễ hội cổ truyền" được dùng trong trường hợp này tương đồng với khái niệm "lễ hội dân gian".
(2)  Xem ở tiểu mục Lễ hội đua thuyền ở chương này.
(3), (4) Xem Chương XXVII: Nghệ thuật.
(5)  Đoàn Ngọc Khôi, Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Đăng Vũ, Phan Đình Độ, Nguyễn Văn Bốn: Văn hóa truyền thống đảo Lý Sơn, Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quảng Ngãi xuất bản, 2002, tr. 167.
(6)  Xem thêm Chương XXVII: Nghệ thuật, tiểu mục về hát bả trạo.
(7)  Xem thêm chương Tín ngưỡng - Lễ hội, trong luận án Tiến sĩ "Văn hóa dân gian của cư dân ven biển Quảng Ngãi" của Nguyễn Đăng Vũ, Viện Nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội, 1.2003.
(8)  Sách Đại Nam Nhất thống chí, phần về tỉnh Quảng Ngãi, có ghi chép sơ lược về ngôi đền này, và nói rằng đây là nơi thờ Thái Dương công chúa. Sách Quảng Ngãi tỉnh chí, Quảng Ngãi nhất thống chí (các tài liệu đã dẫn) đều ghi theo như vậy. Có lẽ các tác giả những cuốn sách trên đã nhầm, hoặc xem Thiên Y A Na chính là Thái Dương công chúa (chú thích của người viết chương này).
(9)  Xem Nguyễn Đăng Vũ: Văn hóa dân gian của cư dân ven biển Quảng Ngãi, sđd, phần về Lễ hội đua thuyền Lý Sơn.
(10)  Xem phần viết về cây nêu và các gu của người Cor trong Chương XXVII: Nghệ thuật, phần "Nghệ thuật tạo hình".
(11)  Xem Chương XXVII: Nghệ thuật, phần Nghệ thuật tạo hình.
Share this post
  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...

0 nhận xét

:) :-) :)) =)) :( :-( :(( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ :-$ (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer

 
© 2013 Lương Thanh Tường
Liên Hệ : Luongthanhtuong24.6.1997@gmail.com
GoogleComments RSS
Chuyển Lên Trên
Chuyển Lên Trên