Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

Thuyết minh về làng cổ Phước Tích


Làng gốm Phước Tích vẫn "đốt lửa rơm"

Làng Phước Tích (xã Phong Hòa, Phong Điền, Thừa Thiên-Huế)- nơi diễn ra lễ hội "Hương xưa làng cổ" những ngày cận kề Festival Huế 2012 khi chúng tôi đến vẫn còn rất yên ắng. Sau gần một năm được tổ chức Jica (Nhật Bản) hỗ trợ phục dựng sản xuất gốm truyền thống; đến nay, sự phát triển của làng gốm cổ từ việc "đỏ lửa" đến dự án phát triển du lịch vẫn đang là bước khởi động.
"Đốt lửa rơm" là thuật ngữ mà ông Nguyễn Thế - Phó phòng Văn hóa Thông tin huyện Phong Điền, Trưởng ban quản lý di tích làng cổ Phước Tích- nói về sự phát triển của nghề gốm nơi đây từ khi được hồi phục lại cho tới nay. Ông phân trần: "Từ khi được phục hồi, gốm Phước Tích vẫn chưa thể "sống lại" được từ chính thương hiệu của mình. Nó chỉ được biết qua những lần "đốt lửa rơm" (quảng diễn) qua các kỳ Festival hay lễ hội truyền thống. Xong đâu đó lại tắt". Những người già trong làng thì bàng quan hơn bởi gốm Phước Tích bị lụy tàn từ những năm 90 do sự phát triển mạnh mẽ của đồ nhựa cũng như thị hiếu của người tiêu dùng. Đến nay, để phát triển nó lại là điều càng không thể. Lớp trung niên thì hầu như tham gia vào buôn bán, làm công chức và không còn biết đến một kỹ thuật nào của chuốt (nặn gốm), sên (đẩy bàn nặn) nữa.
Có lẽ vì vậy, mục tiêu chung nhất của những người làm công tác quản lý và có tâm huyết với ngôi làng cổ là lưu giữ lại những kỹ thuật làm gốm truyền thống cũng như các giá trị văn hóa từ khi khai canh để hướng nó đến mục tiêu du lịch. Hiện ở Phước Tích có hai dòng gốm là truyền thống và mỹ nghệ. Những dòng gốm mỹ nghệ sau này được vài thanh niên trẻ theo học kinh nghiệm tại làng gốm Bát Tràng làm ra. Tuy nhiên, số lượng thanh niên còn bám trụ trên đất này còn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông Trương Đức Kiến (SN 1928) chia sẻ: "Cả làng này, trước đây vì không có ruộng nên lấy nghề làm gốm mà sinh nhai, vì nghề làm gốm mà có thời kỳ hưng thịnh. Nhưng nay lửa tắt, lò sập, thanh niên theo nhau vào thành phố hoặc xứ khác kiếm sống. Cả làng chỉ còn toàn người già không thôi!".

Theo chân ông Thế dẫn một đoàn khách nước Đức về tham quan, tôi thấy ở đây toàn người già làm du lịch. Khi đoàn đến khu lò gốm, chỉ có mệ Lương Thị Bê (74 tuổi -một trong ba người duy nhất của làng còn giữ được kỹ thuật chuốt điêu luyện) đảm trách quảng diễn. Tại khu này, hiện chỉ còn một lò gốm đất và một lò nung bằng gas do dự án Bảo tồn và Phát huy di sản văn hóa làng trong phát triển du lịch xây dựng. Hằng ngày, chỉ có mệ Bê, hai người của tổ chức Jica và vài ba thanh niên trẻ túc trực sản xuất kiêm quảng diễn mỗi lần có khách tham quan. Sau một hồi quan sát làm gốm, đoàn khách tiếp tục tham quan các ngôi nhà cổ trong làng và trò chuyện cùng những người già. Xong một vòng, hướng dẫn viên đưa đoàn đi những địa danh khác tham quan và kết thúc tour! "Hồi trước ở đây nhà nào cũng có một cái lò ngửa, nhà rường ngói liệt cũng từ làm gốm mà có. Nay thì hết rồi, chỉ còn mỗi mệ làm thôi!", mệ Bê tiếc nuối về một thời hoàng kim của làng.
Mệ Bê (bìa trái) biểu diễn kỹ thuật chuốt bình gốm. Ảnh: L.Đ.Dũng
Chú trọng về chiều sâu
Trong lễ hội Festival năm nay, du lịch tại làng Phước Tích sẽ chú trọng về chiều sâu hơn. Từ kết quả của việc phục dựng lại nghề truyền thống, năm nay sẽ có những gian trưng bày và quảng diễn các sản phẩm gốm mang thương hiệu Phước Tích. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ trưng bày các gian hàng của các làng nghề nổi tiếng trong huyện như đồ mộc Mỹ Xuyên, đệm bàng Phò Trạch, lưới Vân Trình... Tại đây cũng sẽ diễn ra các trò chơi dân gian, hội đu, đua thuyền. Huyện Phong Điền cũng đang xây dựng các hạng mục phục vụ lễ hội sắp tới và lâu dài như nâng cấp hệ thống đường làng, các công trình công cộng. Về Phước Tích, du khách cũng có thể đạp xe đi tham quan các làng quê khác và theo đò dọc sông Ô Lâu ngắm cảnh.
"Tất cả đều mới chỉ nhằm mục đích quảng bá và tổ chức cho người dân làm quen dần với môi trường du lịch", ông Thế nhấn mạnh. Có lẽ sự dè dặt của vị trưởng ban quản lý cũng đúng bởi nhìn theo cách làm du lịch ở Huế thì mọi thứ dường như còn đơn điệu và chưa hứa hẹn gì nhiều cho những bước đột phá. Ngay như các tour tham quan thành quách, lăng tẩm ở TP.Huế, xuôi về cầu Ngói (Hương Thủy), ngược về Đông Ba... thì ai cũng có thể thấy được một nội dung không mới và hình thức cũ mèm. Huống hồ Phước Tích mới được khơi dậy và nói như ông thì từ lúc đó đến bây giờ vẫn chỉ là khởi động. Thậm chí, nhiều hãng lữ hành dẫn đoàn tham quan tới đây phải đặt trực tiếp ông Thế hướng dẫn vì từ cảnh quan truyền thống đến thiết chế văn hóa, công trình kiến trúc, tín ngưỡng, lễ nghi của làng hướng dẫn viên chưa nắm được.
Tại đây, ngoài việc phục dựng nghề làm gốm thì hiện đang có dự án trùng tu nhà rường cổ. Ngôi nhà được thí điểm đầu tiên là của gia đình ông Trương Duy Thanh đang trong quá trình hoàn thành. Nhà cổ ở Phước Tích thường có hai loại; nhà dài 5 căn, ngắn 3 căn. Nằm lẫn khuất dưới những rặng cây, thấp thoáng sau hàng chè tàu cắt tỉa gọn gàng; đây là những gì còn sót lại cho đặc trưng nhất nông thôn Việt Nam. Ông Thế trăn trở: "Cùng với việc phục dựng trở lại nghề làm gốm, ngoài những sản phẩm để bán ra thị trường, tôi mong rằng có thêm dự án tái sản xuất lại các vật liệu xây dựng như ngói liệt, gạch nung để sửa chữa ngay chính các ngôi nhà trong làng. Phước Tích đang trong quá trình hình thành gương mặt mới, vì vậy qua mỗi kỳ festival chúng tôi hi vọng sẽ có nhiều sự chú ý và đầu tư hơn để làm sống dậy ngôi làng từng qua thời hoàng kim".
    Share this post
    • Share to Facebook
    • Share to Twitter
    • Share to Google+
    • Share to Stumble Upon
    • Share to Evernote
    • Share to Blogger
    • Share to Email
    • Share to Yahoo Messenger
    • More...

    0 nhận xét

    :) :-) :)) =)) :( :-( :(( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ :-$ (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer

     
    © 2013 Lương Thanh Tường
    Liên Hệ : Luongthanhtuong24.6.1997@gmail.com
    GoogleComments RSS
    Chuyển Lên Trên
    Chuyển Lên Trên