Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

Trên, Dưới, Trong, Ngoài, Lên, Xuống, Vào, Ra

Trên, Dưới, Trong, Ngoài, Lên, Xuống, Vào, Ra
Phan Khôi (1954)


Những chữ dùng làm đầu đề trên đây, ngó như là bình thường lắm, không có gì là khó khăn cả, nhưng thực ra, nghĩa nó cũng khá rắc rối lôi thôi, có khi làm cho ta dùng lầm mà không tự biết.

Bốn chữ trên, không cứ nó thuộc về từ loại nào, nghĩa nó thế này: từ chỗ thấp chỉ chỗ chỗ cao là trên, từ chỗ cao chỉ chỗ thấp là dưới, từ chỗ quang chỉ chỗ kín là trong, từ chỗ kín chỉ chỗ quang là ngoài.

Bốn chữ dưới, thường thường nó là động từ, nghĩa nó thế này: từ chỗ thấp đến chỗ cao là lên, từ chỗ cao đến chỗ thấp là xuống, từ chỗ quang đến chỗ kín là vào, từ chỗ kín đến chỗ quang là ra. Lệ như: lên đồi, xuống ao, vào nhà, ra sân.

Người ta cũng nói đi từ đông đến tây là lên, đi từ tây đến đông là xuống, đi từ bắc đến nam là vài, đi từ nam đến bắc là ra. Là vì ở nước ta, suốt cả nước, phía tây đều là cao nguyên hay núi, cao hơn phía đông; phía đông đều là bờ biển, thấp kém phía tây; phía bắc mở mang trước, coi như quang; phía nam mở mang sau, coi như kín. Cho nên khi nói lên tây, xuống đông, vào nam, ra bắc, cũng tức là cái nghĩa: từ chỗ thấp đến chỗ cao, từ chỗ cao đến chỗ thấp, từ chỗ quang đến chỗ kín, từ chỗ kín đến chỗ quang.

Nhưng gần nay, người ta cũng có nói từ Sài Gòn lên Hà Nội, từ Hà Nội xuống Sài Gòn, đó là nói theo lối tiếng Pháp: tiếng Pháp nói lên phía Bắc, xuống phía Nam, vì họ theo hình quả đất phía Bắc ở trên, khi vẽ địa đồ cũng vẽ phía bắc ở trên.

Không những người Pháp mà người Tàu cũng vậy, họ cũng nói xuống phía Nam, lên phía Bắc, tức như nam hạ, bắc thưởng, hay là hạ Giang Nam, thưởng Bắc Kinh. Đó là vì người Tàu đã quen phân biệt địa thế nước mình như nhiều sách xưa có nói: phía bắc đất cao, nhiều rừng núi, phía nam đất thấp, nhiều hồ chằm.

Như thế, đi từ nam đến bắc và đi từ bắc đến nam, theo người Pháp là lên phía trên, xuống phía dưới; theo người Tàu là lên chỗ cao, xuống chỗ thấp; mà theo ta là ra chỗ quang, vào chỗ kín: ta dùng động từ khác với họ vì cái quan niệm về nam bắc ở đất nước ta khác với họ.

Khi dùng chính cái động từ vào, ra, ta cũng có dùng trái với người Pháp và người Tàu. Người Pháp nói về diễn kịch: vào, tức là ở hậu trường đi đến sân khấu; ra, tức là ở sân khấu đi đến hậu trường. Còn ta, ở hậu trường đến sân khấu lại nói ra, ở sân khấu đến hậu trường lại nói vào. Không phải bây giờ diễn kịch mới nói như vậy, mà là thói quen từ xưa, hát tuồng hát chèo cũng nói vào buồng, ra rạp. Người Tàu nói "nhập thế", vào đời, tức là chung đụng với người đời và gánh vác việc đời, xuất thế, ra đời, tức là ra ngoàii đời, không dính dấp với cuộc đời, như những người ở ẩn. (Bởi vậy họ mới gọi Khổng giáo là nhập thế chi giáo, Phật giáo là xuất thế chi giáo). Còn tiếng ta từ đây về trước, không nói vào đời mà chỉ nói ra đời, nhưng ra đời lại có nghĩa trái với xuất thế: ra đời là chung đụng với người đời và gánh vác việc đời.

Chỗ trái nhau đó cũng lại vì cái quan niệm không giống nhau. Người Pháp người Tàu xem trọng ở mục đích là chỗ hoạt động, cho nên nói vào sân khấu, vào đời; còn ta xem trọng ở xuất phát điểm, từ chỗ lập trường của mình mà kể đi, cho nên nói ra sân khấu, ra đời. Nói như thế cũng lại không lìa cái nghĩa từ chỗ kín đến chỗ quang: hậu trường là kín, sân khấu là quang; nhà là kín, đời là quang. Ra đời, còn có nghĩa nói về đứa bé mới sinh ra nữa: ở trong bụng mẹ là kín, lọt khỏi bụng mẹ là quang.

Kể ra thì ta dùng bốn chữ ra, vào, lên, xuống, đều lấy xuất phát điểm làm căn cứ. Như ở Huế thì nói ra Hà Nội, ở Hà Nội thì nói vào Huế, ở Hải Dương thì nói lên Hà Nội, ở Hà Nội thì nói xuống Hải Dương. Trừ ra: Pháp ở phía Tây mà không nói đi lên Pháp, nói đi sang Pháp; Tàu ở phía Bắc mà không nói đi ra Tàu, nói đi sang Tàu, là vì khi đó có vượt biển hay vượt qua biên giới. Cho đến vượt qua con sông hay cái hàng rào cũng nói như thế: ở Hà Nội sang Bắc Ninh, ở nhà ông Kèo sang nhà ông Cột.

Lấy xuất phát điểm làm căn cứ thì cũng có cái hay, như nói ra Hà Nội thì biết đi từ phía Nam Hà Nội, xuống Hải Dương thì biết đi từ phía Tây Hải Dương. Nhưng cũng có cái không hay: mỗi khi nói như thế, thấy ra cái ý người nói cứ bám khư khư lấy cái chỗ mình ở, cứ một mực chủ quan, làm cho khẩu khí có vẻ tủn mủn và văn chương đôi khi có vẻ câu thúc không phóng khoáng. Không phải người ta không nói đi Hà Nội, đi Hải Dương, nhưng lấy xuất phát điểm làm căn cứ là cách nói rất thông thường.

Nhẫn lên cắt nghĩa tám chữ ấy theo như ước lệ xưa nay của tiếng Việt, và giải tỏa một vài điểm tiếng ta sử dụng khác với tiếng ngoại quốc. Đây nhẫn xuống nghiên cứu đến những trường hợp có thể dùng lầm những chữ ấy hay đã dùng lầm nhiều lần rồi.

Khi ta nói trên trời, dưới đất, trong gia đình, ngoài xã hội, có nghĩa là: trên thì trời, dưới thì đất, trong thì gia đình, ngoài thì xã hội; mà cũng có nghĩa là: bên trên của trời, bên dưới của đất, bên trong của gia đình, bên ngoài của xã hội, nhưng cái nghĩa thứ hai này không được rõ lắm, nó chỉ chờ thêm cho mỗi từ ngữ một động từ hiệp với nói, tức khắc cái nghĩa ấy rõ mồn một.

Vậy ta thử đặt đứng trước trên, dưới, trong, ngoài mỗi chữ một động từ xem sao, ấy là: lên trên, xuống dưới, vào trong, ra ngoài. Nếu chỉ có thế mà thôi thì trên, dưới, trong, ngoài coi như danh từ làm bổ túc từ cho lên, xuống, vào, ra, cũng như nói lên chỗ cao, xuống chỗ thấp, vào chỗ kín, ra chỗ quang, chứ không có gì lạ. Một ví dụ đủ chứng tỏ nghĩa ấy: Truyện Kiều có câu "thoạt đưa đến trước, vội mời lên trên". "lên trên" đây tức là lên bàn trên, lên hàng ghế trên, chữ trên là danh tự làm bổ túc từ cho động từ lên.

Rồi ta lại thử đặt đứng trước trên trời, dưới đất, trong gia đình, ngoài xã hội mỗi từ ngữ một động từ, ấy là "lên trên trời, xuống dưới đất, vào trong gia đình, ra ngoài xã hội", thì nó đã rõ mồn một ra nghĩa khác, không còn giống với nghĩa mới vừa nói.

?" trường hợp này, những chữ trên, dưới, trong, ngoài phải kể là giới từ làm dính động từ với danh từ để chỉ cái sức đi đến của động từ ấy, và tỏ nghĩa là: lên không những đến trời mà đến bên trên trời, xuống không những đến đất mà đến bên dưới đất, và không những đến gia đình mà đến bên trong gia đình, ra không những đến xã hội mà đến bên ngoài xã hội. Một ví dụ nữa cũng câu trong Truyện Kiều đủ chứng tỏ nghĩa ấy; "Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa", là: vào tận trong phong nhã, vượt ra ngoài hào hoa.

(Câu Truyện Kiều này có thể có ba nghĩa, mà nghĩa trên, tôi cho là thông hơn cả. Nghĩa thứ nhất: vào trong nhà thì phong nhã, ra ngoài với xã hội thì hào hoa. Nhưng như thế thì phải nói ở trong, sao lại nói vào trong? Nhà của mình ở, còn vào gì nữa? Vả lại, như thế thì ra ngoài không phong nhã hay sao? Thật là không ổn. Nghĩa thứ hai khá hơn: Đây là cách đặt câu "hỗ văn kiến nghĩa" (sẽ giải sau đây), vào trong ra ngoài đều phong nhã hào hoa cả. Nhưng cũng còn đáng ngại: Trong là đâu? Sao lại phải vào? Nghĩa thứ ba như trên, tỏ ra rằng Kim Trọng phong nhã cực kỳ phong nhã mà không thèm theo thói hào hoa là thói công tử. Có thể bẻ rằng Kim Trọng đi ra cỡi ngựa mặc áo đẹp, có vài hề đồng đi theo, chẳng hào hoa là gì? Nhưng có thể cãi rằng đó chỉ là mực tường của nhà nho "phú hậu", không gọi là hào hoa được, phải là như Thúc Sinh: "Trăm ngàn đổ một trận cười như không" mới thật là hào hoa. Tóm lại, tám chữ này, Nguyễn Du muốn tả Kim Trọng là một nhà nho đứng đắn).

Đã rõ các lẽ như vậy rồi, đây ta có thể lập một cái quy tắc cho khi sử dụng những chữ ấy. Khi lên, xuống, vào, ra chỉ muốn đến một mục đích điểm thì đặt ngay bổ túc từ dưới động từ mà nói lên trời, xuống đất, vào gia đình, ra xã hội, không nên có giới từ; còn khi muốn vượt quá mục đích điểm thì mới phải nói lên trên trời, xuống dưới đất, vào trong gia đình, ra ngoài xã hội, nghĩa là mới phải dùng giới từ trên, dưới, trong, ngoài để chỉ cái sức đi đến của động từ.

Thế mà có nhiều khi ta hay dùng lầm lắm. Đáng nói vào Huế mà lại nói vào trong Huế, làm cho có thể hiểu rằng vào đến Quảng Nam, Bình Định; đáng nói xuống Hải Dương mà lại nói xuống dưới Hải Dương, làm cho có thể hiểu rằng xuống đến Hải Phòng hay đến biển.

Cũng vì lẽ ấy te nên nói đứa bé ngồi trên đất cũng như nói ngồi trên ghế, không nên nói đứa bé ngồi dưới đất; nên nói quả na rụng xuống đất không nên nói quả na rụng xuống dưới đất. Vì dưới đất thì thành ở bên dưới đất, ở bên dưới đất thì đứa bé không thể ngồi, qua na không thể rụng xuống đến đó được, và nếu được thì ta cũng có thể thấy đâu mà nói.

Có khi ý ta muốn nói ra xã hội hay là ra giữa xã hội mà lại nói ra ngoài xã hội. Ra ngoài xã hội thì là không còn ở trong xã hội nữa, đồng nghĩa với cái danh từ "xuất thế", không còn chung đụng với người đời, không còn gánh vác việc đời, một là vào núi ở ẩn, hai là chết đi mới như thế mà thôi. Sai một chữ mà phản hẳn lại với cái ý mình muốn nói.

Hiện nay, thấy trong nhiều bài trên báo có nói ra ngoài mặt trận hùng dũng oanh liệt thế nọ thế kia, cũng lại phản ý nữa. Ra ngoài mặt trận tức là không ở trong mặt trận, có thể là ở hậu phương. ?" hậu phương thì như cái người ngồi dưới chân núi mà viết cái bài khô khan này. Làm thế nào hùng dũng oanh liệt được? Vậy theo ngữ pháp, phải nói ra mặt trận hay là ra giữa mặt trận, không được nói ra ngoài mặt trận.

Tuy vậy, chỉ có khi nói lên trên, xuống dưới, ra ngoài mà có thêm bổ túc từ thì mới hay có cái lầm ấy; còn khi nói vào trong, có bổ túc từ - trừ ra nói về địa dư như nói vào trong Huế không kể - thì lại làm chắc thêm nghĩa chứ không lầm. Ví dụ: vào nhà với vào trong nhà, rót rượu vào bình với vào trong bình, đổ mực vào lọ với vào trong lọ thì cách nói sau cũng không khác nghĩa với cách nói trước. Thế vì lẽ gì? Là vì trên, dưới, ngoài đều tiếp giáp với không gian vô hạn, thêm lên, xuống ra thì nó phải quá trớn mà trật đi đường khác; còn trong thì như nhà bị vách ngăn lại, bình, lọ bị cái thành, cái đáy ngăn lại, cách với không gian, cho nên nói vào trong chỉ làm chắc thêm nghĩa vào càng sâu mà thôi, chứ không thể trật đi đường nào được.

Chưa hết đâu. Những chữ lên, xuống, vào, ra còn nhiều rắc rối lôi thôi khác nữa.

Lên đồi, xuống ao, vào nhà, ra sân thì đồi ao, nhà, sân là mục đích điểm như trên đã nói. Nhưng khi nói lên ngựa xuống ngựa, vào tù ra tù thì lên và vào vẫn một nghĩa ấy mà xuống và ra lại khác. Xuống ngựa là ở ngựa xuống, ra tù là ở tù ra, ngựa và tù lại là xuất phát điểm. Đến như nói vào cửa biển, ra cửa biển, lên thang gác, xuống thang gác, thì cả vào ra lên xuống đều có nghĩa khác: ở đây nó chỉ là đi trải qua từ ngoài đến trong, từ trong đến ngoài, từ thấp đến cao, từ cao đến thấp mà thôi. Vì vào cửa biển còn đến sông, ra cửa biển còn đến biển, lên thang gác còn đến gác, xuống thang gác còn đến đất; cửa biển thang gác không phải xuất phát điểm đã đành mà cũng không phải mục đích điểm, nó chỉ là kinh quá điểm.

?" những trường hợp ấy, muốn cho nghĩa thật rõ, khỏi hiểu lầm, có khi cần phải nói: ở ngựa xuống hay là xuống khỏi ngựa, ở tù ra hay là ra khỏi tù, do cửa biển vào hay ra, do thang gác lên hay xuống.

Truyện Kiều có nói "vào sinh ra tử", vào ra đây lại còn khác với mấy nghĩa trên kia. Theo phép đặt câu, đặt cách này gọi "hỗ văn kiển nghĩa". Nghĩa là tréo trả những chữ với nhau để mà thấy cái nghĩa của nó. Thế thì vào sinh ra tử không phải là vào chỗ sinh ra chỗ tử hay ra khỏi chỗ tử mà là vào ra cái chỗ có thể sinh có thể tử (may thì sống, rủi thì chết), muốn nói vào ra cái chỗ cực kỳ nguy hiểm.

Đến như hai cái thành ngữ "lên xe xuống ngựa", "lên võng xuống dù" thì nghĩa nói lại oái ăm lắm. Lên xe đáng lẽ xuống xe, sao lại xuống ngựa? Lên võng đáng lẽ xuống võng, sao lại xuống dù? Vả lại dù không phải "cái chỗ" có thể xuống đó hay là ở đó xuống được. Đây là một cách đặt câu khác nữa: lên xe xuống ngựa nghĩa là lên xe, xuống xe rồi cỡi ngựa; lên võng xuống dù nghĩa là lên võng, xuống võng rồi che dù, có ý nói là người sang không hề đi đất, mà có đi đất nữa cũng không hề giang nắng. Cách đặt câu như thế gọi là "tỉnh văn", nghĩa là gón bớt chữ đi cho khỏi lòng thòng.

Một điều rất đáng chú ý là có khi lên và xuống dùng cho cùng một động tác, có thể coi là đồng nghĩa, là khi nói lên thuyền xuống thuyền. Lên thuyền là ở đất bước lên thuyền, xuống thuyền là ở trên bờ bước xuống thuyền, hai cách nói đều chỉ nghĩa là đi đến thuyền cả. Cũng đáng chú ý nữa là: xuống xe là ở xe xuống, xuống ngựa là ở ngựa xuống, mà xuống thuyền không thể có nghĩa ở thuyền xuống, muốn tỏ cái nghĩa này người ta không nói thế mà chỉ nói ở thuyền lên, tức là lên bờ.

Điều này thật là điều quá rắc rối lôi thôi trong ngôn ngữ văn tự của ta. Ước gì cải cách nó đi, bắt nó theo một loạt như lên xe xuống xe, lên ngựa xuống ngựa: nói lên thuyền tức là ở đất bước lên thuyền, nói xuống thuyền tức là ở thuyền bước xuống đất. Nhưng, ngặt một nỗi đất là bờ, phần nhiều cao hơn thuyền, nếu nói xuống thuyề để chỉ nghĩa ở thuyền bước xuống đất thì có lắm khi trái với luận lý. Có lẽ vì e dè đến luận lý mà tiếng nói của ta từ xưa đến nay phải dung nhận cái điều quá rắc rối lôi thôi ấy chăng.

Bài này chỉ nghiên cứu những cách dùng bất nhất về những chữ lên, xuống, vào, ra theo nghĩa đen. Còn nghĩa bóng như lên voi xuống chó, vào thầy ra tớ, lên nước, xuống màu, vào khuôn, ra dáng, v.v... không nói đến.


(=^.^=) to-eat-or-not-to-eat (o^.^o)
Share this post
  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...

0 nhận xét

:) :-) :)) =)) :( :-( :(( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ :-$ (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer

 
© 2013 Lương Thanh Tường
Liên Hệ : Luongthanhtuong24.6.1997@gmail.com
GoogleComments RSS
Chuyển Lên Trên
Chuyển Lên Trên