Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

Thuyết minh về làng cổ Phước Tích

Du lịch làng cổ Phước Tích - tiềm năng và triển vọng
Thứ ba, 11/09/2012 08:39
 
Đối với tài nguyên du lịch tự nhiên, Phước Tích là nơi có vùng tiểu khí hậu trong lành và mát mẽ do được nguồn sông Ô Lâu bao bọc quanh làng, đồng thời ở phía Bắc làng (gần cầu Phước Tích) là nơi hợp lưu của nguồn sông Thu Lai (Quảng Trị) và nguồn sông Ô Lâu (Thừa Thiên Huế), xưa gọi là Đại Giang, nay gọi là Ô Lâu.
Từ Huế đi theo đường QL I ra phía Bắc khoảng 40 km, đến gần cầu Mỹ Chánh (huyện Hải Lăng, Quảng Trị), rẽ phải theo QL 49 đi khoảng 1km qua cây cầu bắc ngang sông Ô Lâu, là đến Phước Tích. Phước Tích thuộc xã Phong Hoà, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế là một làng nghề sản xuất gốm nổi tiếng, hình thành từ thế kỷ XV. Sách Ô Châu cận lục viết vào năm 1553 đã từng ghi nhận: “Đồ gốm ở làng Dõng Cảm, Dõng Quyết huyện Kim Trà lợi cũng chẳng nhỏ(1) .  Từ khi thành lập (1470) làng mang tên Dõng Quyết; sau đó đổi tên là Phước Giang rồi Hoàng Giang; đến thời Nguyễn, đổi tên thành Phước Tích cho đến ngày nay. Hơn 500 năm tồn tại và phát triển, Phước Tích vẫn gìn giữ được những giá trị di sản văn hoá quí giá của một làng quê nổi tiếng với nghề làm gốm. Đặc biệt là quần thể di tích nghệ thuật kiến trúc dân gian độc đáo với 36 ngôi nhà rường cổ còn khá nguyên vẹn, gồm 12 ngôi nhà thờ họ, phái; 24 nhà ở của dân. Tất cả những ngôi nhà rường này đều trên 100 năm tuổi và đều được chạm khắc những họa tiết, hoa văn cực kỳ tinh xão. Nhà nào cũng có vườn rộng nối liền nhau bởi những hàng rào bằng cây chè tàu bao quanh. Bên cạnh đó là hệ thống các di tích tín ngưỡng, tôn giáo như đình, chùa, miếu, nhà thờ của các họ tộc; các di tích của nền văn hoá Champa; những cây cổ thụ có tuổi thọ hàng trăm năm; những bến nước, sân đình; phế tích của những lò nung gốm; đường làng, ngõ xóm, những lối đi với lớp lớp những mảnh gốm sành ghi dấu thời vàng son của làng nghề sản xuất gốm... Tất cả như tạo nên cảnh quan đặc trưng của một làng quê Việt cổ kính.  
Phước Tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số 832/QĐ-BVHTTDL ngày 03 tháng 3 năm 2009. Với quần thể di tích kiến trúc nhà rường cổ, di tích văn hóa Champa, văn hóa Việt cổ; nghề gốm truyền thống trên 500 năm... Phước Tích được mệnh danh là làng di sản của vùng Trung bộ ViệtNam. Bên cạnh Phước Tích là làng nghề điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên. Chính những thế hệ thợ điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên là những người đã góp phần tạo nên quần thể nhà rường ở Phước Tích.
Với nhận thức, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương. Những năm qua, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề ra mục tiêu phát triển du lịch để góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế ở các tiểu vùng nông thôn trên địa bàn huyện. Trong đó có làng cổ Phước Tích và các làng nghề thủ công truyền thống khác như: Làng nghề điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên, Làng nghề đan đệm bàng Phò Trạch, làng nghề kim hoàn Kế Môn, làng nghề rèn Hiền Lương…
Chọn mô hình phát triển du lịch cộng đồng dựa vào di sản văn hóa là hướng đi đúng, nhằm phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và các làng nghề truyền thống trên địa bàn. Tổ chức hoạt động du lịch có sự tham gia của cộng đồng địa phương sẽ mang lại lợi ích chung cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường, cảnh quan di tích. Người dân có quyền và nghĩa vụ tham gia vào các hoạt động du lịch và hưởng lợi ích hợp pháp từ nguồn thu du lịch.
I. Đặc điểm tình hình chung của làng cổ Phước Tích 
Phước Tích có diện tích tự nhiên khoảng 40 Ha, gồm 117 hộ, 320 nhân khẩu. Thực trạng cơ cấu gia đình và sự phát triển dân số tự nhiên ở Phước Tích hiện nay đang thiếu tính bền vững. Nguyên nhân chính là do một bộ phận thành viên của các hộ gia đình ở Phước Tích đã rời làng đi làm ăn, sinh sống ở nơi xa. Hiện nay, nhiều người đã có cuộc sống ổn định ở các tỉnh, thành phố. Một số định cư ở nước ngoài. Vì vậy dẫn đến tình trạng nhiều gia đình chỉ còn người già (70 – 80 tuổi) trông coi nhà cửa, vườn tược.
Phước Tích không có ruộng, chỉ có một ít đất trồng hoa màu.  Thu nhập từ nông nghiệp (kể cả nguồn lợi từ đất vườn) không đáng kể. Trong làng có nghề gốm cổ truyền, nhưng một thời gian dài phải tạm ngưng sản xuất, do sản phẩm làm ra không tiêu thụ được trên thị trường. Vì vậy người dân khó có thể tự lực trong cuộc sống, nếu không có sự hổ trợ từ các thành viên gia đình đang sinh sống ở ngoài làng.
Phước Tích có tài nguyên du lịch phong phú bao gồm cả tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn.
Đối với tài nguyên du lịch tự nhiên, Phước Tích là nơi có vùng tiểu khí hậu trong lành và mát mẽ do được nguồn sông Ô Lâu bao bọc quanh làng, đồng thời ở phía Bắc làng (gần cầu Phước Tích) là nơi hợp lưu của nguồn sông Thu Lai (Quảng Trị) và nguồn sông Ô Lâu (Thừa Thiên Huế), xưa gọi là Đại Giang, nay gọi là Ô Lâu. Đây là con sông mà hạ lưu của nó hình thành nên đầu nguồn phía Bắc của phá Tam Giang nối liền với biển. Từ Phước Tích có thể đi thuyền về phá Tam Giang để đến các vùng ven đầm phá của Thừa Thiên Huế. Từ Huế có thể đến Phước Tích bằng đường thủy. Tài nguyên sinh vật dồi dào, hệ sinh thái của làng phong phú, nhiều cây cổ thụ có hàng trăm năm tuổi, đặc biệt trong đó có cây Thị trên 700 năm. Nhiều cây ăn trái quí có tuổi đến vài trăm năm như cây Vải trạng (một loại vãi có phẩm cấp ngon và quí, được trồng ở đại nội và các phủ đệ của các quan lại tại Huế), nhản và nhiều loại cây ở nơi khác khó tìm thấy như cây Bồ quân, Dâu, Bồ kết...,các loại cây ăn trái như mít, vả, khế, cam, quýt, chuối, và các  loại cây hoa màu, thực phẩm khác. Hầu như nhà vườn nào ở Phước Tích cũng giữ được một số loài hoa quí như: mai vàng, hoa mộc, nguyệt quới, hàm tiếu, hoa râm, ngâu, sói, hải đường, tường vi… có nhiều cây có tuổi đời gần cả 100 năm. Đặc biệt hàng rào, bờ giậu của các nhà đều sử dụng loại cây “chè tàu” tạo nên một vành đai xanh nối liền nhau bao bọc quanh vườn cây ăn trái quanh làng. Trong vườn nhà Phước Tích còn có hệ thực vật với những loại cây trái được “lan truyền” và phát triển theo yếu tố tự nhiên, sau đó người dân chăm sóc để thu hoạch hoa trái, hoặc sử dụng thân cây làm chất đốt. Ngoài các loại rau xanh được trồng trong vườn, còn có một số thực vật mọc tự nhiên mà người dân có thể bổ sung vào thực phẩm trong các bửa ăn hằng ngày.
Đối với tài nguyên nhân văn, Phước Tích là nơi bảo lưu được quần thể di tích kiến trúc nhà rường cổ với hơn 30 ngôi nhà có tuổi trên 100 năm bao gồm các loại nhà ba gian hai chái hoặc một gian hai chái bằng gỗ, trong đó bao gồm cả các nhà thờ họ, phái và hệ thống kiến trúc tâm linh, tín ngưỡng như đình, chùa, miếu…với nhiều di tích, hiện vật lịch sử văn hóa có giá trị.
Phước Tích là nơi bảo tồn những giá trị văn hóa nhân văn đặc sắc của một làng nghề gốm truyền thống hình thành cách đây hơn 500 năm. Nhiều di tích lịch sử văn hóa, các lễ hội làng xã, họ tộc, tập tục tín ngưỡng dân gian gắn với phương thức sản xuất gốm bằng thủ công. Tất cả những yếu tố đó đã tạo nên giá trị chung cho làng cổ Phước Tích. 
Với tài nguyên du lịch sẵn có, cùng với không gian môi trường xanh, sạch đẹp, Phước Tích sẽ là nơi tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe lý tưởng đối với du khách.
Quần thể nhà rường cổ nếu được đầu tư, tăng cường thêm cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ du lịch thì sẽ nhanh chóng mở rộng được mô hình du lịch lưu trú tại nhà dân (home stay).
Phước Tích có hệ thống sông Ô Lâu bao quanh, du khách hoặc đi thuyền trên sông ngắm cảnh. Trong làng có hồ nước rộng, có thể cải tạo, xây dựng trở thành khu vui chơi giải trí và tổ chức các dịch vụ du lịch như hệ thống nhà hàng, bơi thuyền, câu cá, múa rối nước...
Có thể nói rằng, tài nguyên du lịch ở làng cổ Phước Tích đa dạng và phong phú. Song cần phải được tổ chức khai thác để hình thành các sản phẩm du lịch. Nếu được đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch để đón khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, thì Phước Tích sẽ nhanh chóng trở thành một điểm đến hấp dẫn của khách du lịch nội địa và quốc tế trong thời gian tới. 
Làng cổ Phước Tích là di tích văn hóa cấp quốc gia. Vì vậy việc đầu tư phát triển du lịch nơi đây luôn phải gắn liền với việc bảo vệ, tôn tạo tài nguyên môi trường, bảo tồn được các giá trị về tự nhiên, văn hóa, xã hội và phải có mối quan hệ chặt chẽ với việc phát triển du lịch của các địa phương trong vùng. Nhất là đối các làng nghề trong chuỗi sản phẩm du lịch gắn liền với Phước Tích và các đơn vị hoạt động kinh doanh du lịch trong cả nước.
Phước Tích cần phải khôi phục và phát triển nghề gốm truyền thống để nghề gốm trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn phục vụ du khách. Bên cạnh đó, cần chọn và sản xuất một số mẫu mã gốm đẹp, nhỏ gọn để làm hàng lưu niệm.
Ngoài việc đón khách đến tham quan, các làng nghề trong chuỗi sản phẩm du lịch gắn liền với Phước Tích như làng nghề điêu khắc Mỹ Xuyên, làng nghề đan đệm bàng Phò Trạch… phải thực hiện tốt việc bảo tồn và phát triển làng nghề, sản xuất các mặt hàng lưu niệm phong phú để phục vụ du khách.
II. Thực trạng phát triển du lịch tại Phước Tích
Hiện nay du khách đến với Phước Tích còn ít, một phần do công tác quảng bá chưa có chiều sâu. Du khách chưa biết nhiều đến giá trị di sản văn hóa làng cổ.
Cơ sở hạ tầng về du lịch trong làng chưa được đầu tư. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chủ yếu dựa vào tài nguyên du lịch có sẵn. Chưa khai thác tốt tiềm năng sản phẩm du lịch hiện có. Đặc biêt là du lịch dựa vào di sản văn hóa, du lịch làng nghề. Chưa tổ chức tốt các hoạt động phụ trợ để đáp ứng nhu cầu về ẩm thực, giải trí, nghỉ dưỡng của du khách.
Nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch còn thiếu và yếu. Trong làng hiện không có đủ lực lượng trẻ để tham gia đào tạo nghề du lịch cũng như đào tạo nghề gốm truyền thống và các ngành nghề dịch vụ khác...Kỹ năng giao tiếp của người dân đối với du khách còn hạn chế, nhất là đối với du khách nước ngoài. Chưa hình thành được mối quan hệ, hợp tác với các tổ chức doanh nghiệp hoạt động kinh doanh về du lịch để xây dựng các tour tuyến đưa khách về Phước Tích.
Thời gian gần đây, nhiều công ty lữ hành đã đến khảo sát và bắt đầu tổ chức đưa khách về tham quan làng cổ Phước Tích; Công ty Việt Pháp đã liên kết và đầu tư cơ sở vật chất cho 2 hộ gia đình để đón khách lưu trú (home stay). Song do lượng du khách chưa đến nhiều nên thu nhập của người dân còn hạn chế.

Cộng đồng dân cư có quyền và nghĩa vụ tham gia vào các hoạt động du lịch và hưởng lợi ích hợp pháp từ du lịch. Đây là nguyên tắc cơ bản trong định hướng phát triển du lịch bền vững đối với các địa phương. Song hiện nay, vấn đề tham gia của cộng đồng người dân ở Phước Tích trong việc phát triển du lịch vẫn còn nhiều hạn chế. Người dân còn thụ động do chưa thấy rõ tiềm năng và giá trị kinh tế mang lại từ hoạt động du lịch. Sản phẩm du lịch từ di sản văn hóa chưa được phát huy tích cực. Người dân còn e ngại trong việc đưa các nhà rường cổ vào khai thác du lịch, đặc biệt là việc mở rộng mô hình lưu trú nhà dân (home stay).
Việc đưa nhà rường vào khai thác du lịch vẫn còn nhiều bất cập, do chưa có sự đồng thuận cao của các gia đình. Đa số nhà rường cổ ở Phước Tích đều có chức năng thờ tự tổ tiên, ông bà. Vì vậy, các ngôi nhà này phần lớn đều trở thành từ đường của các gia đình lớn. Sở hữu nhà rường thường có nhiều người, họ là thế hệ con cháu của chủ nhân (người xây dựng nhà). Người đứng tên thừa kế chính thức ngôi nhà thường là con cháu trực hệ (đích tôn). Song mọi việc tôn tạo, trùng tu và phát huy giá trị di sản của ngôi nhà rường ở Phước Tích đều phải được sự đồng thuận của các thế hệ con cháu mới có thể thực hiện được.

Những năm qua, huyện Phong Điền đã đầu tư một số hạng mục về hạ tầng du lịch và phục vụ dân sinh như: xây dựng đường giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng, đầu tư khôi phục nghề gốm truyền thống, tổ chức lễ hội “Phước Tích hương xưa làng cổ” để quảng bá hình ảnh về di sản văn hóa làng cổ… Các tổ chức quốc tế như SNV (Hà Lan). Viện Di sản  Bỉ, JICA (Nhật Bản)…đã triển các dự án về trùng tu di tích, phục hồi nghề gốm, đầu tư cơ sở hạ tầng, quảng bá, tập huấn  chuyên môn nghiệp vụ về du lịch… Gần đây, đại diện tổ chức ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cũng đã đến khảo sát và hứa hẹn hỗ trợ dự án về phát triển nguồn rau sạch ở Phước Tích để phục vụ cho du lịch. Hy vọng rằng, với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của nhà nước và các tổ chức quốc tế sẽ tạo cho Phước Tích những cơ hội mới trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa làng cổ, đẩy mạnh việc phát triển du lịch ở nơi đây.
Với tiềm năng và lợi thế của quần thể di tích kiến trúc nghệ thuật và nghề thủ công truyền thống, Phước Tích có điều kiện để phát triển du lịch cộng đồng thông qua các mô hình về lưu trú nhà dân (homestsy), tham quan di tích lịch sử văn hóa và tổ chức các hoạt động trải nghiệm nghề thủ công, giải trí, nghỉ dưỡng…
Hiệu quả kinh tế - xã hội từ các hoạt động du lịch sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, duy trì dân số nông thôn, bảo vệ  và phát huy bản sắc văn hóa, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái,  góp phần phát triển kinh tế - xã hội chung trong vùng. Song, việc tổ chức du lịch cộng đồng  phải cần sự tham gia tự nguyện và tích cực từ phía người dân. Bên cạnh đó phải cần sự giúp đỡ của nhà nước và các tổ chức quốc tế trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, đào tạo chuyên môn, trang bị kiến thức giao tiếp với du khách thì việc triển khai hoạt động du lịch cộng đồng ở Phước Tích mới có hiệu quả.
III. Đề xuất các định hướng chiến lược và giải pháp phát triển du lịch Phước Tích.
Làng cổ Phước Tích là di tích cấp quốc gia, có tài nguyên du lịch hấp dẫn, có đường giao thông thuận tiện (cách trung tâm thành phố Huế 40 km; cách QLIA (đoạn Mỹ Chánh) 1km; nằm cạnh QL 49B). Làng cổ Phước Tích nằm giữa hai di sản thế giới: Kinh đô Huế và Phong Nha – Kẽ Bàng. Vì vậy việc đầu tư xây dựng làng cổ Phước Tích trở thành điểm du lịch quốc gialà mục tiêu cần phải đạt được từ nay đến năm 2020.
Việc đưa làng cổ Phước Tích trở thành một điểm du lịch trung gian của vùng là một giải pháp quan trọng nhằm mở rộng không gian, đa dạng hóa các loại hình du lịch, bổ sung thêm nhiều sản phẩm, kéo dài thời gian lưu trú của du khách khi đến với “con đường di sản miền trung”. Hy vọng rằng, làng cổ Phước Tích không chỉ là điểm đến hấp dẫn để du khách khám phá di sản văn hóa của một làng nghề thủ công truyền thống hình thành cách đây hơn 500 năm, mà còn là nơi dừng chân, điểm trung chuyển của các tour tuyến du lịch đường dài. Vì vậy việc qui hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất – kỹ thuật du lịch để phục vụ du khách là việc cần phải thực hiện sớm để tranh thủ thời cơ phát triển du lịch cùng với các địa phương ở các tỉnh Bắc miền Trung.
Nội dung qui hoạch xây dựng điểm du lịch Phước Tích phải gắn liền với qui hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ Phước Tích. Tăng cường đào tạo đội ngũ quản lý, phục vụ có trình độ, năng lực để thực hiện việc vận hành cơ chế quản lý du lịch.
Tạo hành lang pháp lý với những cơ chế quản lý phù hợp giữa các cấp, các ngành địa phương để đảm bảo cho việc phối hợp thực hiện tốt việc bảo tồn di tích và khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch.
Đẩy mạnh việc tiếp thị, quảng bá, xúc tiến du lịch đối với Phước Tích và các điểm du lịch vùng phụ cận, để tăng nhanh số lượng khách đến tham quan, lưu trú, nghỉ dưỡng tại làng.
Tạo mối liên kết tốt với các đơn vị lữ hành trong khu vực Bắc Trung bộ và cả nước để nhanh chóng hòa nhập vào thị trường du lịch nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng bền vững, góp phần phát triển kinh tế và xã hội của đất nước trong thời kỳ mới.

Share this post
  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...

0 nhận xét

:) :-) :)) =)) :( :-( :(( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ :-$ (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer

 
© 2013 Lương Thanh Tường
Liên Hệ : Luongthanhtuong24.6.1997@gmail.com
GoogleComments RSS
Chuyển Lên Trên
Chuyển Lên Trên